Đạ Huoai: Đưa nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp vào cuộc sống
Là địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nông nghiệp, chính vì vậy Huyện ủy Đạ Huoai đã tích cực thực hiện nghị quyết chuyên đề 'Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương'. Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện nghị quyết chuyên đề, nhiệm kỳ 2021 - 2025, Đảng bộ huyện Đạ Huoai tiếp tục đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp một cách cụ thể để nghị quyết chuyên đề thực sự đi vào cuộc sống.
Trước khi có nghị quyết chuyên đề, đa phần nông dân địa bàn huyện Đạ Huoai thường sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra khó tìm được thị trường tiêu thụ. Giờ đây, sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và hiện đại, tiếp tục khẳng định và giữ vững cơ cấu cây trồng chủ lực.
Hiện Đạ Huoai đã hình thành được vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại xã Hà Lâm với diện tích 300 ha; vùng sản xuất tập trung đối với các nhóm cây chủ lực như: cây điều với 7.801 ha, cây sầu riêng với 3.743 ha, cây dâu tằm với 241 ha. Thực hiện chuyển đổi trên 3.400 ha diện tích cây điều già cỗi, sầu riêng hạt, mía… năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác, giống mới có năng suất, chất lượng. So với năm 2015, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân tăng vượt trội, từ 35,5 triệu đồng lên 83 triệu đồng/ha. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 0,8 %, trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 2,5%.
Các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nông dân đẩy mạnh thực hiện. Việc thâm canh trên cây sầu riêng, cây dâu, xen canh cây chè dưới tán cây điều, luân canh cây ngô mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Trình độ canh tác của nông dân được tăng lên đáng kể, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP; các chế phẩm sinh học cũng được các nhà vườn sử dụng rộng rãi. Riêng sản phẩm sầu riêng Đạ Huoai thì thực hiện đề án gắn tem truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xuất khẩu ra thị trường một số nước.
Tại xã Phước Lộc, sau khi thực hiện nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều kết quả trong sản xuất nông nghiệp; nhiệm kỳ 2021 - 2025, trên cơ sở quán triệt nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Đạ Huoai; Đảng ủy xã Phước Lộc cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề để thực hiện việc “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương”.
Ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: Quán triệt sâu sắc nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Đạ Huoai, Đảng ủy xã Phước Lộc, UBND xã đã tăng cường thực hiện việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào từng khâu cụ thể của sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản để nâng cao chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn của trong nước và tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài. Mục tiêu cụ thể của địa phương là phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 160 - 180 triệu đồng/ha, riêng 350 ha sầu riêng phải đạt giá trị từ 500 triệu đồng/ha trở lên, phấn đấu 45% tổng diện tích cây trồng chủ lực của xã ứng dụng công nghệ, quy trình thâm canh. Xây dựng thành công chuỗi giá trị sầu riêng, hạt điều, bảo vệ và quảng bá nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”…
Có mặt tại vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Tám (thôn Phước Trung, xã Phước Lộc) mới thấy rõ sự thay đổi về trình độ canh tác, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ông Tám cho hay, trước đây khi chăm sóc sầu riêng ông phải tưới tay, mất nhiều công sức và thất thoát nước, năng suất, chất lượng kém. Năm 2016, được huyện Đạ Huoai hỗ trợ 30 triệu đồng, ông bỏ thêm 110 triệu đồng làm hệ thống phun, xịt tự động trên diện tích 2 ha trồng cây sầu riêng, mỗi năm cho thu nhập trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện vườn đang sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ và VietGAP.
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy Đạ Huoai đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương”. Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt từ 140 - 150 triệu đồng/ha, riêng 1.500 ha sầu riêng cho giá trị sản phẩm từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đồng thời đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp để nghị quyết thực hiện một cách có hiệu quả, đặc biệt ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp như giao thông nông thôn, nội đồng; hệ thống thủy lợi, điện sản xuất…