Đạ Huoai: Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn
Với hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là vùng cây trái đặc sản xanh mát quanh năm, huyện Ðạ Huoai có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Tận dụng sự giàu có về thiên nhiên, sự đa dạng về điểm đến văn hóa, những người nông dân nơi đây đã mạnh dạn học hỏi, thử nghiệm và kinh doanh loại hình du lịch này, mang đến nguồn thu ổn định cho gia đình và góp phần phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững.
Tiên phong vườn trái cây Nam Nhi
Từ trung tâm TP Bảo Lộc, theo Quốc lộ 20 chúng tôi xuôi đèo về hướng huyện Đạ Huoai. Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm tới miệt vườn Nam Nhi ở Thôn 4, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, một vườn cây ăn trái được trồng từ năm 1930 nức tiếng gần xa với nhiều loại trái cây ngon như: sầu riêng, cam sành, cam xoàn, măng cụt, bưởi, chôm chôm, mít, thanh long ruột đỏ...
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn trái cây rộng hơn 10 ha, ông Lê Chí Học - chủ nhân khu vườn du lịch không khỏi tự hào: Vườn trái cây Nam Nhi là doanh nghiệp đi đầu, tiến sâu vào việc phát triển vườn cây ăn trái thành Khu Du lịch sinh thái vườn trái cây Nam Nhi Madagui - Đạ Huoai. Không những thế, đây còn là một trong những vựa trái cây lớn của tỉnh Lâm Đồng, cung cấp trái cây trong nước và xuất khẩu.
Ông Học cười khà khà khi kể về câu chuyện làm du lịch của mình: “Khó khăn trăm bề chứ không dễ ăn đâu. Nhìn thì tưởng đơn giản mà ai ngờ, lao đao nhiều thứ lắm rồi mới làm được như bây giờ”.
Hơn mười năm trước, trong một lần đưa gia đình từ Bình Dương lên TP Đà Lạt du lịch. Qua địa phận huyện Đạ Huoai, thấy thế đất nơi đây vườn đồi trùng điệp, rừng cây trái quanh năm trĩu quả, chạy dài xanh hun hút. Đây quả là điểm dừng chân lý tưởng trong lộ trình đi du lịch nghỉ dưỡng, vừa tham quan thắng cảnh, vừa thưởng ngoạn hương vị ngọt ngào của nhiều loại trái cây vườn ngon, ngọt sau một chặng đường dài là điều vô cùng thú vị đối với du khách. Trước lời gợi ý của mọi người, ông chưa quyết định ngay nhưng luôn để tâm và trằn trọc mãi vì chưa hình dung rõ sẽ làm như thế nào, bắt đầu từ đâu… Rồi với suy nghĩ “phải làm và làm cho bằng được”, năm 2011 ông Học mạnh dạn mua lại 5 ha vườn cây ăn trái Nam Nhi cùng với thuê thêm 5 ha đất rồi tiến hành quy hoạch lại vườn cây. Đến năm 2015, Khu Du lịch Vườn trái cây Nam Nhi chính thức khai trương đi vào hoạt động.
Đến với vườn trái cây Nam Nhi du khách sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên mang nét “đặc sản” của miệt vườn. Đó là vườn cây ao cá, với đủ các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng, măng cụt, cam sành, quýt, thanh long ruột đỏ... Ở vườn cây ăn trái Nam Nhi, chủ nhân khu vườn không đặt ra bất cứ điều lệ gì, ông Học không muốn điều đó trở thành rào cản với khách khi đến đây. Khi cây trái trong vườn tới mùa, khách cứ tự nhiên với tay hái rồi ăn ngay tại chỗ.
Ngoài ra, du khách cũng có thể mua vé vào vườn trái cây Nam Nhi cắm trại, tự do trèo hái những trái cây mà du khách thích. Được hướng dẫn viên giới thiệu tên từng loại trái cây, cách chăm sóc từng loại cây.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch kết hợp ăn uống, nghỉ dưỡng, năm 2017 ông Học mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các hạng mục công trình như nhà hàng, nhà nghỉ, resort, nhà trưng bày trái cây với diện tích mỗi căn khoảng 100 m2 có đầy đủ tiện nghi, để du khách tham quan và mua sắm trái cây được hái từ vườn trái cây Nam Nhi.
… đến HTX Du lịch miệt vườn Hà Lâm
Không phải trong thời gian gần đây, khi nền kinh tế hàng hóa mở thì cây ăn trái ở Đạ Huoai mới phát triển, mà ngay từ trước 1945 người Pháp đã nhận ra ưu thế về cây ăn trái Đạ Huoai và đã lập đồn điền như: đồn điền Anh Tú, vườn cây Nam Nhi với chất lượng trái cây mang đậm hương vị đặc trưng của tiểu vùng khí hậu mà chỉ Đạ Huoai mới có.
Từ phương Nam lên Đà Lạt và từ Đà Lạt trở về lại phương Nam, lữ khách không quên dừng lại những bước chân để thưởng thức tại chỗ trái cây Đạ Huoai tươi xanh hoặc mua làm quà đầy ý nghĩa thiết thực cho những chuyến đi. Nắm bắt được điều này, những người nông dân ở xã Hà Lâm đã mạnh dạn tập hợp nhau lại thành lập nên HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn Hà Lâm với mục tiêu phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững.
Ông Lê Quang Sơn - Giám đốc HTX cho biết: “Năm 2017, nhận thấy tình hình phát triển du lịch sinh thái miệt vườn của địa phương ngày một phát triển, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển du lịch miệt vườn với 26 thành viên tham gia”.
Ngoài việc phải đáp ứng điều kiện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, một số thành viên trong HTX có vốn thì đứng ra cải tạo, quy hoạch vườn nhà mình thành những điểm tham quan với dịch vụ trọn gói, từ tham quan vườn, ăn uống và nghỉ qua đêm tại chỗ. Còn các thành viên khác thì trở thành những “vệ tinh” cung cấp những sản vật, trái cây cho những điểm du lịch của các thành viên khác.
Theo ông Sơn, các thành viên HTX dư sức thực hiện du lịch sinh thái vườn, vì đa số các vườn đều rất đa dạng cây trái, giữ được nét hoang sơ, tự nhiên vốn có nên khách rất thích. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là cơ sở hạ tầng nông thôn còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn do đó khách rất ngại đến, nhất là khách nước ngoài. Ngoài ra, khả năng marketing, quảng bá của những người nông dân làm du lịch còn kém.
Ông Phạm Quang Chiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Hiện nay, phong trào phát triển du lịch sinh thái miệt vườn trên địa bàn huyện đang có nhiều khởi sắc. Nhiều nông dân có vườn đẹp và đam mê du lịch đã tổ chức khá tốt mô hình vườn du lịch sinh thái, tạo thêm nguồn thu đáng kể. Để giúp người nông dân làm du lịch, UBND huyện cũng đã xúc tiến, quảng bá và tổ chức nhiều lớp tập huấn về các loại hình du lịch cho nông dân, định hướng cho bà con nên tập trung phát triển hoàn thiện một số điểm hiệu quả, còn những hộ ít vốn thì trở thành “vệ tinh” cung cấp sản phẩm sạch, đồng thời tăng cường liên kết với các công ty du lịch.