Đà Lạt: Cúc Tana khoe sắc
Vùng hoa Đà Lạt luôn cung cấp cho thị trường cả nước những loài hoa đẹp. Và Tana, thứ cúc có nguồn gốc ôn đới, đã khoe sắc, nở rộ trên đất cao nguyên.
Thăm vườn cúc Tana của Dalat Hasfarm, khách mải mê với những bông cúc mảnh mai, tinh tế, khác hẳn với những giống thường cây mập, bông to của nhiều dòng cúc khác như cánh dài, mai cam, hoàng gia, vạn thọ… Cúc Tana, loài cúc mỏng manh, dịu dàng, được coi như loài hoa đặc trưng của mùa chớm thu hanh hao được thị trường ưa chuộng từ một vài năm nay. Sự hiện diện của Tana là một thành công của Dalat Hasfarm - doanh nghiệp hoa hàng đầu Việt Nam, tiếp thêm những sắc màu rạng rỡ cho hoa Đà Lạt.
Ông Nguyễn Trọng Phu, quản lý sản xuất khu vực Đà Lạt của Dalat Hasfarm cho biết, cúc Tana mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế với nhụy vàng hoa trắng, tuy trông rất mong manh nhưng có độ bền cao. Dalat Hasfarm đã nhập cúc Tana từ Hà Lan về một vài năm nay, đã qua khảo nghiệm đầy đủ, được trồng thương phẩm rộng rãi, cung ứng hoa cho thị trường nội địa. Cúc Tana ưa khí hậu lạnh nên trước đây, một số doanh nghiệp hoa phía Bắc đã nhập khẩu và trồng vào vụ Thu Đông. Ông Phu cho biết, nhu cầu cúc Tana tại thị trường các thành phố lớn tuy không quá cao nhưng khá đều, được các shop hoa yêu cầu thường xuyên. Vì vậy, doanh nghiệp xuống giống cúc Tana đều đặn, theo phương pháp gối đầu để luôn có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Không chỉ Dalat Hasfarm, LangBiang Farm, doanh nghiệp hoa xưa kia nổi tiếng với các giống lan cũng trồng cúc Tana như một sản phẩm kinh doanh. Ông Trần Huy Đường - Giám đốc công ty cho biết, nhu cầu của thị trường về cúc Tana rất đều đặn nên doanh nghiệp cũng canh tác cúc để cung ứng cho người yêu hoa. Theo ông Đường, cúc Tana dễ trồng, dễ sống, nhất là với khí hậu mát mẻ của Đà Lạt. Thường doanh nghiệp lớn như LangBiang Farm nhập trực tiếp giống hoa về từ Hà Lan, nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc các nhà vườn thì nhập trung gian qua các công ty chuyên cung ứng hạt giống.
Quy trình trồng cúc Tana không khác nhiều so với các loài hoa cúc khác. Là cây gốc ôn đới nên cúc Tana ưa khí hậu mát, ánh sáng nhẹ. Vì vậy, hầu hết các nhà vườn Đà Lạt đều trồng cúc Tana trong nhà kính, nhà lưới hoặc ít nhất cần mái che sáng. Cũng như các cây cúc khác, sau khi gieo hạt, khi cây nảy mầm cần thắp đèn để cây đạt độ cao cần thiết. Thường 70 - 80 ngày sau nảy mầm, lúc cúc Tana đạt độ cao thân xấp xỉ 70 - 75 cm là đạt chuẩn thị trường ưa chuộng. Sau khi tắt đèn, cúc Tana sẽ xé màu, bông lớn nhanh và sau khoảng 30 - 35 ngày có thể cắt vào thời điểm thích hợp. Cúc Tana ít bệnh và ít phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hơn một số giống cúc khác, tuy nhiên, giá bông khá cao do điều kiện nhập giống, trồng, chăm sóc và thị trường hẹp hơn các giống cúc truyền thống.
Trên Dalat.Flowers - sàn giao dịch hoa Đà Lạt trực tuyến khá uy tín, cúc Tana bao giờ cũng được khách hàng ưa chuộng với giá ổn định. Ông Huỳnh Long, đại diện của sàn giao dịch cho biết, vì thị trường yêu thích nên doanh nghiệp đã liên kết với nông hộ để trồng cúc Tana. Nông hộ liên kết với doanh nghiệp thường trồng theo phương thức gối đầu, xuống giống không nhiều nhưng liên tục để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Cúc Tana có thân mảnh, bông mềm nên việc vận chuyển cũng như bảo quản khó hơn các loại cúc khác. Giá cúc Tana cũng cao, thường được bán qua các shop hoa, tới thị trường người tiêu dùng thành thị. Sau khi đến với người tiêu dùng, cúc Tana có thể bền hoa từ 7-10 ngày tùy cách chăm sóc. Theo ông Long, nhu cầu cúc Tana đang tăng lên khá nhanh, nhất là sau đợt dịch COVID-19. Doanh nghiệp đang liên kết với nông dân mở rộng thêm diện tích cúc Tana để đủ số lượng phục vụ nhu cầu của thị trường.
Ông Lại Thế Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt đánh giá, doanh nghiệp và nông dân Đà Lạt rất nhanh nhạy trong việc nhập, trồng thử nghiệm các loại hoa mới. Cùng với hàng chục các loại hoa khác, cây cúc Tana là một thành công của ngành Hoa Đà Lạt, góp phần giảm lượng hoa nhập và cung ứng cho thị trường những loài hoa đẹp, giá trị cao.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202209/da-lat-cuc-tana-khoe-sac-3136623/