Đà Lạt hắt hẻo những rừng thông
Rừng thông không chỉ đẹp mà còn là 'cái máy điều hòa nhiệt độ' khổng lồ cho Đà Lạt, nhờ đó miền đất này được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Tiếc thay, rừng thông nội ô của thành phố đang teo tóp dần vì bị triệt hạ bằng nhiều cách với tốc độ chóng mặt.
Xóa sổ mảng xanh còn sót lại?
Theo nhiều kiến trúc sư (KTS), chính quyền địa phương không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng thông nội ô của “thành phố trong rừng và rừng trong thành phố” như quy hoạch nhất quán từ trước đến nay của Đà Lạt. Thậm chí, Lâm Đồng đang muốn xóa đi một trong những mảng xanh hiếm hoi còn sót lại ở trung tâm thành phố là đồi dinh Tỉnh trưởng, cùng với công trình biệt thự cổ đã đi vào ký ức của bao người. Cụ thể, Lâm Đồng đã cơ bản thống nhất chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng (diện tích xây dựng 455m2, diện tích sử dụng 1.265m2) lên 28m so với vị trí ban đầu để xây tổ hợp khách sạn 10 tầng với nhà hàng, khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ trên diện tích đất rộng hơn 20.500m2.
Hội KTS Việt Nam đã 2 lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, KTS trong cả nước; theo đó, không nên cho xây dựng công trình khách sạn trên đồi dinh Tỉnh trưởng. Bởi vì, phương án kiến trúc nói trên thực chất là dự án địa ốc và nếu khách sạn đồ sộ được triển khai xây dựng sẽ làm hỏng công trình kiến trúc độc đáo như dinh Tỉnh trưởng. Mặt khác, việc xây khách sạn 10 tầng với khối tích lớn trên đỉnh đồi sẽ làm mất đặc trưng cảnh quan của đô thị Đà Lạt.
Từng sống vài năm ở Đà Lạt và yêu say đắm thành phố mộng mơ này, anh Lưu Nhi Dũ kể đã đến Đà Lạt lần đầu tiên vào năm 1978. Từ tỉnh Ninh Thuận, chiếc Peugeot 403 ì ạch leo lên đèo Ngoạn Mục, đến đèo Dran; tiếp tục luồn rừng, luồn núi đến Cầu Đất rồi vào nội ô Đà Lạt. Càng lên cao, càng luồn sâu vào rừng, những rừng thông ngút ngàn với sương mù giăng mắc, phóng túng và lãng mạn. Ấy vậy mà khi xa Đà Lạt, vài năm về thăm một lần, anh hụt hẫng khi phố núi mộng mơ đang chìm dần trong những khối bê tông, những căn nhà cao tầng ngột ngạt, còn rừng thông thưa vắng dần.
“Giờ đây chính quyền lại muốn quy hoạch một Đà Lạt hiện đại, thay đổi căn bản trung tâm Hòa Bình bằng khu dịch vụ thương mại với từ 3-5 tầng nổi; di dời dinh Tỉnh trưởng để dành đất xây dựng khu dịch vụ cao cấp lên đến 10 tầng. Cùng với rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, dinh Tỉnh trưởng là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử tại Đà Lạt. Bởi thế, làm mới những khu vực này hết sức nhạy cảm, nếu không cẩn thận, “hồn vía” của Đà Lạt sương mù sẽ biến mất. Nếu quy hoạch tham lam, thực dụng như vậy, khu trung tâm Đà Lạt sẽ “trơ xương”! Chúng ta sẽ mất cả sự mát dịu mà thiên nhiên ban tặng nếu quy hoạch sai, thiếu thận trọng. Đừng làm mất đi hồn cốt Đà Lạt. Hãy để Đà Lạt lãng đãng với sương mờ...”, anh Dũ phân tích.
Sụt giảm hàng trăm héc ta rừng nội ô
Theo một văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Công viên Đà Lạt từng được giao quản lý 431ha đất rừng nội ô. Đến năm 1997, khi cơ quan chức năng thống kê thực tế, nội ô Đà Lạt chỉ còn 356,25 ha rừng tập trung. Riêng đối với những cụm cây xanh có diện tích nhỏ hơn 1ha, cơ quan chuyên môn không tiến hành khoanh vẽ, mà đo đếm cụ thể số cây, xác định địa chỉ, khu vực và đánh giá các chỉ tiêu bình quân ghi vào biểu đo đếm theo hộ, đường, phường. Theo đó, vùng nội ô có 8.021 cây thông 3 lá, 1.862 cây các loại khác. Tổng trữ lượng gỗ gần 43.000m2, độ che phủ của rừng là 69%, nhờ đó khí hậu Đà Lạt quanh năm ôn hòa, mát mẻ.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, vào năm 1997, độ che phủ rừng chiếm 69% tổng diện tích của Đà Lạt. Đến cuối năm 2020, tổng diện tích có rừng ở Đà Lạt là 20.112ha, trong đó, rừng tự nhiên là 14.641 ha và rừng trồng đã thành rừng là 5.472ha, tỷ lệ che phủ rừng giảm xuống chỉ còn 51%.
Vào năm 2018, khi Sở NN&PTNT Lâm Đồng thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng nội ô Đà Lạt thì tổng diện tích chỉ còn hơn 295ha, trong đó đất có rừng hơn 150ha, không có rừng gần 145ha. Đây quả là những con số báo động đỏ bởi chỉ sau 20 năm, diện tích rừng nội ô Đà Lạt giảm hàng trăm héc-ta; tổng trữ lượng gỗ chỉ còn 15.340m3, giảm gần 2/3.
Cũng trong năm này, tại một hội thảo tổ chức ở TP Đà Lạt, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, đã ghi nhận được những số liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của Đà Lạt tăng trung bình 1-1,5oC, biên độ nhiệt giãn thêm 3oC trong 10 năm qua. Nguyên nhân là do mất rừng, phát triển “nóng” nhà kính trồng rau, hoa…
Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, sau đó đi định cư ở Mỹ hơn 30 năm, ngày trở lại, chị Trần Thị Thùy Linh thảng thốt vì “Đứng trên triền dốc, nhìn xuống nhà không”, chứ không phải “Đứng trên triền dốc, nhìn xuống đồi thông” như trong ca khúc “Đà Lạt hoàng hôn” của nhạc sĩ Minh Kỳ ngày nào. Nhiều cụm thông xanh, cổ thụ dọc tuyến đường mà chị từng đi học hàng ngày như Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Nghĩa (phường 2) giờ không còn nữa hoặc chỉ lác đác vài cây; thay thế bởi loạt khách sạn, nhà hàng, cửa tiệm... “Còn gì buồn hơn khi mảng xanh ngày càng teo tóp, Đà Lạt đã dần dần đánh mất chính mình? Lẽ ra, đây là nơi nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái thay vì đông đúc, xô bồ như hiện nay”, chị Linh nói, giọng tiếc nuối.
Tháng 4/2021, Đà Lạt xôn xao vì vụ triệt hạ hàng loạt cây thông cổ thụ hơn trăm tuổi trong các thửa đất số 17 và 19, sát đường Trần Hưng Đạo, tuyến đường đẹp nhất phố núi; đồng thời là trục đường bảo tồn quy hoạch kiến trúc, di sản. Số cây rừng nội ô này do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên quản lý. Đơn vị chủ rừng cho rằng các đối tượng đã lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa gió vào những ngày nghỉ để triệt hạ thông. Đáng lưu ý, 2 lô đất này hiện thuộc quyền sử dụng của 2 người con trai ông H.Đ.H, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Đà Lạt trước kia, như ý kiến của KTS tài hoa Ngô Viết Thụ: “Nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông... Di sản kiến trúc Âu - Việt phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét quyến rũ”.
Những kiểu triệt hạ khác là khoan lỗ đổ hóa chất hoặc đổ vật liệu, bê tông quanh gốc thông làm cây chết dần. Tháng 5/2022, Cty TNHH Tí Nị, chủ đầu tư Dự án khu biệt thự du lịch (số 4, đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn) bị UBND TP Đà Lạt xử phạt vì chặt rễ, tự ý xây quây kín gốc thông… làm chết 9 cây (đường kính gốc từ 35-52cm, cao từ 17-20m) trong khuôn viên khu biệt thự. Ngoài phạt tiền, UBND TP Đà Lạt còn yêu cầu doanh nghiệp này khôi phục lại hiện trạng ban đầu và trồng mới 45 cây thông ba lá với chiều cao từ 1,2-1,5m.(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-lat-hat-heo-nhung-rung-thong-post1521758.tpo