''Đà Lạt hòa điệu'' trên con đường mang tên tình yêu
28 bức ảnh với 4 chủ đề khác nhau đang cùng hiện diện trên con đường rợp bóng thông xanh dẫn lên dinh Tỉnh trưởng, trong triển lãm 'Đà Lạt hòa điệu'.
Triển lãm với phong cách hòa mình cùng thiên nhiên, những bức ảnh được các tác giả sắp đặt dọc hai bên con đường Lý Tự Trọng (trước đây mang tên L’amour, có nghĩa là tình yêu), nằm giữa màu xanh của dã quỳ và gốc thông rì rào gió, đặt dọc con dốc nhỏ đặc trưng của Đà Lạt dẫn lối vào nhà và đặt cả ở trên ngọn thông cao mà muốn ngắm ảnh, người xem phải nhìn qua ống nhòm. Ở đó, 4 tác giả với những nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có niềm đam mê nhiếp ảnh.
Nếu Hoài Linh và Lý Hoàng Long đã là cái tên quen thuộc trong giới nhiếp ảnh, được nhiều người biết đến với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, thì Trúc Công là chủ của một tiệm lẩu dê, còn Đỗ Công Thành là một nông dân ở Cầu Đất (Đà Lạt).
Như cái tên của triển lãm, 4 chủ đề được các tác giả mang đến là sự kết hợp, hòa cảm thú vị khiến người xem cảm nhận được cuộc sống ở thành phố hoa. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, mỗi bộ ảnh đều chứa đầy những cảm xúc và tâm huyết của tác giả.
Nhiếp ảnh gia Hoài Linh mang đến triển lãm những bức ảnh đặc tả nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ, Chu ru. Với ông, kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, cả những quy tắc ứng xử, nếp sống sinh hoạt được diễn thành lời ca, bài hát được lưu truyền qua nhiều thế hệ... vẫn luôn là nguồn động lực thôi thúc, hấp dẫn ông cầm máy ảnh, đi sâu vào đời sống của bà con dân tộc K’Ho, Mạ và Churu ở đây.
Tại triển lãm, các tác giả thiết kế một góc nhỏ chăm chút bằng đôi quang gánh, bó hoa nhỏ... đặc trưng của một khu chợ. Nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long mang đến những góc nhìn về gánh hàng rong chợ Đà Lạt trong buổi sớm giản dị nhưng đầy sức sống. Đây cũng là chủ đề yêu thích của anh. Anh chia sẻ: “Tôi có thói quen đi đến đâu là phải lang thang, la cà, từ chợ phiên Cán Cấu, chợ nón Gò Găng, cho đến chợ làng Chuồn... bởi với tôi, chợ không chỉ đơn thuần là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi phản ánh văn hóa truyền thống bản địa rõ nét nhất”.
Là tác giả nữ duy nhất trong 4 tác giả triển lãm lần này, Trúc Công đã mang đến những bức ảnh giới thiệu các loại chim đặc hữu của Đà Lạt với những khoảnh khắc chụp độc đáo. Chị chia sẻ, đến với nhiếp ảnh tưởng chỉ là đam mê cá nhân, nhưng bản thân chị không ngờ đến một ngày, nó đã chiếm phần lớn thời gian rảnh rỗi của chị vì đam mê đến tột cùng. Những lần theo chân những chú chim hoang dã, đẹp, lạ và quý không chỉ ở Đà Lạt mà còn ở khắp nơi trên tổ quốc, những lần vác máy lang thang trong rừng để tìm chim, được hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim líu lo, chị thấy sảng khoái như được thêm năng lượng cho bản thân.
Đặc biệt nhất triển lãm, có lẽ là anh nông dân Đỗ Thành Công với hình ảnh giới thiệu là một người nông dân rất đạc trưng của Đà Lạt: Chân mang ủng, ôm bó rau xanh đứng trong khu vườn và nụ cười đầy sức sống. Lần đầu tiên mang ảnh tham gia triển lãm, anh chia sẻ: “Tôi là một người yêu nhiếp ảnh. Ngay từ những ngày đầu bước vào con đường này, tôi đã bị cuốn hút bởi những thứ nhỏ nhắn xung quanh mình, những con côn trùng bé nhỏ, những bông hoa, ngọn cỏ... Khi chụp lại những khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng xung quanh chúng ta còn rất nhiều cái đẹp mà thường ngày không ai để ý đến, cuộc sống vội vã làm chúng ta lướt qua nhanh, không phát hiện ra nét đẹp tiềm ẩn của những vật thể nhỏ nhắn, xinh xắn xung quanh mình”.
Thích thú với những hình ảnh cánh chim đậu trên cành mimosa hay bông hoa dã quỳ, bà Phạm Thị Lan (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) vui vẻ cho hay: Đây là những hình ảnh mà chỉ cần nhìn vào, người ta đã biết ngay ở Đà Lạt, đã cảm nhận được cái lạnh ở nơi này. Ở đó có sự chậm rãi, nhẹ nhàng và yên bình như chính con người Đà Lạt. Trước sự thay đổi ngày càng lớn của thiên nhiên và cảnh quan, tôi mua 1, 2 bức tranh ở đây với mong muốn mang một chút Đà Lạt về với ngôi nhà giữa lòng Sài Gòn của mình.
Triển lãm được khai mạc ngày 17/12 và kéo dài trong 3 tháng, dự kiến đến hết Tết Nguyên đán Tân Sửu để du khách và những người yêu nghệ thuật có thể thỏa thích thưởng lãm.