Đà Lạt xây thêm phố đi bộ và chợ đêm: 'Làm mới' nhưng cần thêm gì để giữ được 'chất xưa'?
Nên hay không nên xây thêm khu dân cư kết hợp phố đi bộ và chợ đêm mới tại thành phố Đà Lạt đang là chủ đề được nhiều bạn trẻ địa phương cũng như du khách quan tâm.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 7/2022, tổng lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Lâm Đồng đạt 750.000 lượt người. Tuy nhiên, lượng khách đông đảo cũng khiến nhiều nơi tại Đà Lạt trở nên quá tải, dẫn đến một số vấn đề tiêu cực như "chặt chém" giá, ô nhiễm môi trường, kẹt xe nghiêm trọng vào những dịp lễ Tết...
Mới đây, UBND TP. Đà Lạt đã trình lên UBND tỉnh Lâm Đồng một đề án mới nhằm giải quyết những tình trạng tiêu cực hiện nay và đồng thời cũng để phát triển ngành du lịch của "thành phố sương mù" một cách tốt nhất.
Cụ thể, ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ và chợ đêm (nằm trên địa bàn Phường 8 và Phường 9, TP Đà Lạt) với quy mô 121.000 m2.
Với hiện trạng giao thông “chật cứng” hiện tại, Đà Lạt đã buộc phải lắp đặt hệ thống đèn giao thông vào năm 2021 để đảm bảo an toàn trật tự. Dẫu vậy, tình trạng ùn tắc bởi lưu lượng xe và người đi bộ dạo phố dày đặc ở các khu trung tâm và chợ đêm vào mùa cao điểm hay dịp nghỉ lễ lại là... một câu chuyện khác.
Có nên xáo trộn không khí bình yên tại "thành phố ngàn hoa"?
Là một thành phố với sức chứa có hạn, việc du khách ghé thăm ngày càng đông đúc đã phần nào xáo trộn nếp sống thường nhật của người dân Đà Lạt. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ mỗi một khu phố đi bộ vào cuối tuần đã khiến các cung đường kẹt cứng, nếu xây dựng thêm phố đi bộ sẽ khiến một số người mất đi nơi ở lâu năm và gây thêm ùn tắc đầu bên kia hồ Xuân Hương.
“Đồng ý rằng du lịch có thể khiến thành phố thêm phát triển và đời sống người dân được tốt hơn, nhưng không phải vì vậy mà ưu tiên mọi thứ cho khách du lịch” - chị Quỳnh (26 tuổi, người địa phương) chia sẻ.
Theo ý kiến của không ít bạn trẻ, dự án này có thể khiến Đà Lạt dần mất đi nét đẹp cổ điển rất riêng mà sẽ bị đô thị hóa như nhiều địa danh khác.
Ủng hộ xây dựng hình ảnh mới cho Đà Lạt
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc bảo tồn các nét đẹp xưa cũ, cần phải làm mới Đà Lạt thông qua việc ủng hộ việc mở khu phố đi bộ mới.
Bạn Huyền (20 tuổi) cho hay: “Việc đô thị hóa chỉ là chuyện một sớm một chiều so với nhu cầu du lịch ngày nay. Đà Lạt giờ đây cũng đã khác lắm rồi, thay vì cứ theo đuổi một giá trị xưa cũ thì cứ thử tạo ra một Đà Lạt mới xem sao.”
Bạn Ngọc (19 tuổi) cũng ủng hộ: “Phố đi bộ, chợ đêm rộng rãi để mọi người còn hít thở ‘không khí Đà Lạt’, chứ đông đúc, chen lấn, còi xe ầm ĩ vì không có chỗ đi lại thì vẫn mất lòng du khách như thường.”
Liệu có thể “làm mới” nhưng vẫn giữ được “chất xưa”?
Theo ý kiến của anh Định (một người dân ở Đà Lạt), thay vì dỡ bỏ những công trình biểu tượng của thành phố để phát triển các cơ sở hạ tầng vui chơi cho du khách, hãy tu sửa và tận dụng những nơi này theo một cách mới để không làm mất đi bản sắc văn hóa riêng.
Chị Quỳnh, người địa phương nhìn nhận, việc mở khu phố đi bộ mới cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện nay Đà Lạt đã xuất hiện tình trạng "chặt chém" du khách nghiêm trọng, cần ưu tiên giải quyết triệt để vấn nạn này để giữ gìn hình ảnh đẹp đẽ cho thành phố. Chị Trân (25 tuổi), chị Nhi (24 tuổi) mới đây khi đến Đà Lạt đã phải "lắc đầu" ngao ngán khi biết giá 200.000 đồng cho một con mực khô nướng hay 150.000 đồng cho một “hộp dâu tây độn”. “Trên thì dâu to và tươi, dưới thì như đầu đũa”, chị Trân cảm thán.
Làm mới hình ảnh của "thành phố ngàn hoa" là một điều hết sức cần thiết, tuy nhiên cần xem xét kỹ lưỡng để phát triển theo hướng có lợi cho cả người dân địa phương và khách du lịch.