Đa lợi ích từ liên kết chuỗi thịt lợn sinh học
Năm 2016, ông Nguyễn Đình Tường (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) đứng ra thành lập hợp tác xã, bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản phẩm thịt lợn sinh học. Mô hình được duy trì hiệu quả cho đến hôm nay, mang lại lợi ích cho nhiều bên tham gia.
Đứng vững trong dịch bệnh
Về thôn Đĩnh Tú (xã Cấn Hữu), hỏi cơ sở chăn nuôi lợn sinh học của ông Nguyễn Đình Tường, người dân ai nấy đều biết. Từ lâu cơ sở này đã nổi tiếng một vùng nhờ mô hình chăn nuôi gắn với sản xuất chế biến thịt lợn theo hướng an toàn sinh học. Ông Tường cho biết, nhiều năm trước, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông được hỗ trợ 30 con lợn giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Sau khi thực hiện thí điểm bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Để thúc đẩy phát triển mô hình chăn nuôi lợn sinh học gắn với sản xuất chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, năm 2016, ông Tường đã đứng ra thành lập, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm. Hợp tác xã quy tụ các nông hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Cấn Hữu.
Cho đến nay, 15 thành viên hợp tác xã đang phát triển tổng đàn 120 lợn nái và hơn 1.300 lợn thịt. Trải qua nhiều biến động, nhất là ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng tổng đàn lợn nái và lợn thịt của hợp tác vẫn được duy trì ổn định. Lý giải về việc vẫn có thể đứng vững trong tình hình dịch bệnh động vật, ông Tường cho biết đó là nhờ quy trình chăn nuôi khép kín được quản lý nghiêm ngặt trong toàn bộ chuỗi. Ngoài ra, nguồn thức ăn 100% là do hợp tác xã tự phối trộn, có bổ sung men vi sinh, giúp đàn lợn an toàn trong dịch bệnh.
Lợi nhuận thu về tiền tỷ mỗi năm
Chuỗi thịt lợn sinh học khép kín bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm đang hoạt động tương đối ổn định. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp khoảng 0,5 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học mang thương hiệu “Thịt lợn sạch Quốc Oai” ra thị trường.
Sản phẩm đang được tiêu thụ rộng rãi thông qua các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, bếp ăn trên địa bàn huyện Quốc Oai và một số quận nội thành. “Với mô hình liên kết xây dựng chuỗi thịt lợn sinh học khép kín, các thành viên hợp tác xã phần nào yên tâm về đầu ra cho sản phẩm; giá bán thịt lợn loại này cũng cao hơn so với thịt lợn thông thường” - ông Tường chia sẻ.
Sản xuất - kinh doanh hiệu quả, mỗi năm Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, mô hình còn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm không ngừng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bộ nhận diện cho sản phẩm. Điều đáng mừng là 3 sản phẩm của hợp tác xã đã được UBND TP Hà Nội đánh giá, cấp giấy chứng nhận 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gồm: thịt lợn, xúc xích và giò.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, chuỗi chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học của ông Nguyễn Đình Tường và các thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm là một trong những mô hình liên kết hiệu quả nhất đang vận hành trên địa bàn TP. “Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuỗi liên kết còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động, quản lý tốt hoạt động chăn nuôi ở địa phương, qua đó góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” - ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm.
Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị huyện Quốc Oai tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hợp tác xã trong việc mở rộng quy mô sản xuất, cũng như nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Về phía Chi cục, sẽ tiếp tục đồng hành cùng hợp tác xã trong việc giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa thịt lợn sinh học và các sản phẩm chế biến đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/da-loi-ich-tu-lien-ket-chuoi-thit-lon-sinh-hoc.html