Đã mắt xem người dân ngoại thành Hà Nội đào hang, hun khói bắt chuột đồng
Có nhiều phương pháp săn chuột khác nhau như đổ nước vào hang để bắt chuột hoặc đào hang, dùng rơm hun khói...
Chuột đồng không chỉ là món ăn khoái khẩu mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân ở các xã thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Do vậy, mỗi khi gặt xong mùa lúa, nhiều người đổ xô ra đồng đi săn chuột về bán và làm món ăn trong bữa cơm gia đình.
Đông vui và rộn ràng nhất là ở xã Canh Nậu. Theo chia sẻ, nghề săn chuột đồng ở địa phương này đã có từ rất lâu, họ đi bắt chuột quanh năm. Ngoài công việc đồng áng, người Canh Nậu còn coi nghề này là "cần câu cơm" để kiếm sống. Việc săn bắt và chế biến chuột đồng không chỉ giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ mùa màng, hoa màu.
Hằng ngày, họ phong tỏa ra khắp cánh đồng, có khi đi bộ hàng chục cây số để săn chuột về bán. Đồ nghề đi săn chuột khá đơn giản, người canh Nậu chỉ cần chuẩn bị vài bó rơm khô, chiếc cuốc, thuổng, vợt, hoặc xô nước đổ vào hang cho chuột chui ra là có thể "tóm gọn" hàng chục kg chuột mỗi ngày.
Để phát hiện dấu vết của "cu tý" một cách nhanh nhất, nhiều người dân ở canh Nậu còn dẫn theo những chú chó tinh khôn. Chúng có khả năng đánh hơi, phát hiện ra hang chuột chỉ cách đó vài trăm mét.
Ông Đỗ Đăng Mức (64 tuổi) cho biết: "Trời càng về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu lại càng đông hơn bởi những tốp người hì hụi đào hang, hun chuột. Dân săn chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con ở đây lên 7 đã theo người lớn ra đồng, thậm chí những cụ già ở cái tuổi "xưa nay hiếm" vẫn còn rất ham bắt chuột".
Theo ông Mức, thú săn chuột ở Canh Nậu lâu dần thành thói quen. Trước đây ở xã chỉ có vài gia đình làm nghề nhưng sau này, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn nên nhiều người bắt đầu săn bắt, một số hộ gia đình còn mở dịch vụ thu mua, chế biến. Chuột sau khi bắt về được cạo lông, làm sạch, thui rơm vàng óng, thịt thơm và ngọt, ăn nhiều thành "nghiện", có khi ngon hơn cả thịt gà, thịt lợn.
Anh Đỗ Hữu Lại (40 tuổi) tiết lộ, nghề săn chuột với mỗi người có một kinh nghiệm riêng, phải hiểu đặc tính của từng loại để có những mẹo bắt được chuột. Khi đã xác định được cánh đồng có luồng chuột chạy, anh Lại tiến hành đặt bẫy. Anh sử dụng bẫy kẹp loại nhỏ đường kính 5 - 6cm, vành có răng cưa (kiểu bẫy thú) được đặt khéo léo để kẹp đúng vào chân con chuột.
Công việc đặt bẫy xong xuôi cũng là khi trời đã xẩm tối, anh Lại nghỉ ngơi, ăn uống tại đồng. Đến 10 giờ đêm, anh trở lại thu những chiếc bẫy đặt hồi chiều. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày nóng hay giá rét, công việc của anh Lại chỉ kết thúc vào lúc nửa đêm.
Không dừng lại ở những cánh đồng trong xã, nhiều nhóm người còn tỏa đi nhiều nơi để săn chuột, như vậy mới đảm bảo được việc không về tay trắng vì số lượng người tham gia săn chuột khá đông.
Mỗi nhóm có những phương pháp săn chuột khác nhau, đổ nước vào hang để bắt chuột là phương pháp phổ biến và nhẹ nhàng nhất. Người đi bắt chuột mang theo xô, chậu múc nước dưới ruộng, mương rồi đổ vào hang chuột. Chỉ sau vài lần đổ chuột lớn chuột bé theo nhau ra cửa hang. Người đi săn ngồi canh, thấy chuột thò đầu ra chỉ việc nhặt bỏ vào bao tải.
Ngoài biện pháp này một số người còn dùng phương pháp thủ công khác nhưng kém hiệu quả hơn như đào hang, hun chuột bằng khói rơm, hay dùng chó để săn.
Chuột bắt được nhiều, họ mang về chế đồ nhậu và thui vàng đem ra chợ bán. Mỗi ngày, nhóm vài ba người có thể kiếm được cả triệu đồng nhờ việc săn chuột đồng.
Vừa thoăn thoắt sơ chế chuột bán cho khách, bà Nguyễn Thị Tính (58 tuổi) chia sẻ, mặc dù có giá khá cao từ 80.000 - 120.000 đồng/kg thế nhưng mặt hàng này bán vẫn rất chạy. Chuột đồng thường nhỏ, tròn mình, trung bình mỗi con nặng khoảng từ 2 - 3 lạng. Chuột sau khi sơ chế có thể chế biến thành các món ăn đặc sản như thịt chuột xào xả ớt, chuột luộc, chuột hấp... Món ăn có vị thơm, béo ngậy, được rất nhiều thực khách yêu thích.
"Nhiều người chưa ăn thịt chuột bao giờ thì thấy có vẻ kinh sợ nhưng nếu đã ăn một lần thì sẽ nghiện ngay. Mỗi ngày, sạp hàng của tôi bán khoảng chục kg thịt chuột đồng. Mặc dù có giá đắt ngang với thịt lợn, thịt gà, thế nhưng đây là mặt hàng không bao giờ ế, có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Thậm chí nhiều hôm tôi bày ra chưa đầy 30 phút đã hết sạch hàng", bà Tính cho hay.
Người dân Canh Nậu vẫn tự hào là đi đến đâu cũng được quý, không ai ghét người săn chuột. Bởi nghề săn chuột của làng không chỉ là một thú vui nông nhàn, một nét đặc sắc của làng quê mà còn góp phần bảo vệ mùa màng, đồng thời mang lại thu nhập chính đáng cho nhiều gia đình.