Đã mở cửa nhưng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động vẫn 'án binh bất động'
Dù đã mở cửa trở lại từ hôm 21-8, nhưng đến sát ngày lễ 2-9, bến thuyền ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) vẫn án binh bất động khiến du khách không thể đi thuyền tham quan
Như Báo Người Lao Động đã thông tin ngày 8-7, Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An (đơn vị quản lý, khai thác khu du lịch Tam Cốc - Bích Động) ra thông báo về việc tạm dừng hoạt động khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục trong khu du lịch.
Đây là khu du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình, nằm trong di sản thế giới Tràng An nên việc tạm dừng hoạt động đã gây bất ngờ cho nhiều du khách, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Sau 1 thời gian tạm đóng cửa, ngày 21-8, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã mở cửa trở lại. Thế nhưng, đến thời điểm này hoạt động chèo thuyền tại khu du lịch này vẫn "án binh bất động" khi không có người chèo thuyền.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn tới việc mở cửa trở lại nhưng vẫn không có người chèo thuyền là do vướng mắc trong việc ký hợp đồng lao động giữa những người chèo đò ở đây và doanh nghiệp chủ quản.
Nhiều người dân thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cho biết bến đò Tam Cốc có từ khoảng 40 năm trước. Ngày đó, người dân thường chèo thuyền dọc sống Ngô Đồng để trồng và thu hoạch lúa, sau này du lịch phát triển nghề chèo thuyền trở thành một nghề ở thôn Văn Lâm, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương.
Năm 2014, danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đứng ra quản lý, điều hành hoạt động. Kể từ đó, du khách muốn tham quan bằng đò dọc sông Ngô Đồng phải mua vé. Tiền bán vé một phần được trả công cho người chèo đò, phần còn lại doanh nghiệp thu.
Hiện nay, việc quản lý điều hành Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An.
"Giờ công ty yêu cầu ký hợp đồng mỗi tháng phải làm 24 ngày, mỗi ngày 8 tiếng. Trong khi thực tế bà con chỉ lái đò có 4-5 ngày, những ngày còn lại không có việc làm vẫn phải tới bến thuyền. Chúng tôi thấy bất hợp lý nên chưa đồng ý ký hợp đồng lao động" - một người chèo đò ở Tam Cốc cho hay.
Cũng theo phản ánh, mỗi chuyến đò họ được nhận 150.000 đồng, trong khi cả tháng chỉ có 4-5 chuyến thì thu nhập chưa tới 1 triệu đồng, việc ký hợp đồng ràng buộc khiến họ không thể làm được việc khác để trang trải cuộc sống.
Trả lời báo chí tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức ngày 30-8, ông Vũ Văn Chung, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoa Lư, cho biết hoạt động chèo thuyền tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động vẫn chưa thể hoạt động trở lại bình thường do chưa tìm được tiếng nói chung giữa người chèo thuyền và doanh nghiệp.
Theo ông Chung, đến thời điểm này đã có trên 130 người ký hợp đồng chèo thuyền với doanh nghiệp, đây đều là những người được cấp số đò, trong khi những người chèo đò, làm việc chính thì chưa ký. "Người có số đò (người được cấp số thứ tự chèo đò theo hương ước của làng - PV) thì đồng ý ký, nhưng những người chèo đò thì lại chưa đồng ý. Ở đây, có những người vừa có số đò, vừa chèo đò, nhưng cũng có những người có số đò nhưng không chèo đò mà lại cho người khác thuê lại số đò. Trong khi, việc ký hợp đồng phải ký với những người chèo đò"- ông Chung thông tin.
Cũng theo ông Chung, do có 2 luồng ý kiến như vậy mà hoạt động chèo thuyền vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Trước khúc mắc trên, ngày 31-8, UBND huyện Hoa Lư đã phối hợp cùng Sở Du lịch, Sở Tư pháp, Sở LĐ-TBXH tỉnh Ninh Bình, đại diện doanh nghiệp… đối thoại trực tiếp với hàng trăm người dân chèo đò tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, cho rằng việc khu du lịch Tam Cốc phải đóng cửa, tạm dừng đón khách trong thời gian qua là sự việc rất đáng tiếc, bản thân ông cũng xin nhận trách nhiệm vì để xảy ra sự việc trên. Đồng thời, ông Hưng mong muốn người dân hiểu việc ký hợp đồng lao động là bắt buộc, vì vậy, các bên cùng ngồi lại để bàn bạc, giải quyết vướng mắc để khu du lịch hoạt động trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.