Đã một tuần trôi qua, Iran còn tính toán gì với Israel?

Theo giới phân tích, nếu Iran đạt được sự cân bằng phù hợp trong phản ứng của mình, Trung Đông sẽ tránh được một cuộc chiến tranh tổng lực.

Vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran - Iran, cùng với vụ sát hại một chỉ huy phong trào Hezbollah ở thủ đô Beirut - Lebanon, đã gây ra làn sóng chấn động khắp Trung Đông.

Đã xuất hiện nỗi lo Iran có thể sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công vào Israel, từ đó đe dọa khơi mào một cuộc chiến tranh toàn diện tại khu vực.

Israel xác nhận đã ám sát chỉ huy Hezbollah nhưng lại không bình luận về vụ sát hại ông Haniyeh.

Đã một tuần kể từ khi xảy ra hai vụ ám sát trên, nhưng vẫn chưa xảy ra cuộc tấn công lớn nào nhằm vào Israel. Trong lúc này, các nhà ngoại giao đang nỗ lực ngăn chặn bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào.

Người ủng hộ phong trào Hezbollah tại một buổi lễ tại thủ đô Beirut - Lebanon hôm 6-8. Ảnh: Reuters

Người ủng hộ phong trào Hezbollah tại một buổi lễ tại thủ đô Beirut - Lebanon hôm 6-8. Ảnh: Reuters

Câu hỏi bây giờ là phản ứng sắp tới của Iran sẽ thế nào?

Liệu Iran có tính toán kỹ lưỡng để tránh một cuộc chiến tranh khu vực như lần trả đũa Israel hồi tháng 4 hay không? Hoặc liệu các nhà lãnh đạo Iran tin rằng cần có phản ứng mạnh hơn, ngay cả khi điều đó có nguy cơ gây ra xung đột rộng hơn?

Dù vụ ám sát ông Haniyeh trên đất Iran là sự xúc phạm lớn đối với Tehran, một số chuyên gia cho rằng điều đó không làm thay đổi mong muốn của Iran là tránh một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn với Israel và Mỹ, đồng minh hàng đầu của nước này.

Ông Reza Akbari, chuyên gia tại Viện Báo cáo Chiến tranh và Hòa bình (Anh), nói với đài Al Jazeera rằng ông không tin giới lãnh đạo Iran nghĩ đến chuyện leo thang căng thẳng, nhất là khi chính trường nước này lâu nay bị chia rẽ giữa những người theo đường lối cứng rắn và những người theo chủ nghĩa cải cách.

Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian mới nhậm chức được vài tuần. Nhà lãnh đạo này được nhiều người mô tả là một người trung dung hoặc một nhà cải cách.

Tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Tehran hôm 5-8. Ảnh: Reuters

Tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Tehran hôm 5-8. Ảnh: Reuters

Các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa Iran và các bên trung gian sau hai vụ ám sát cũng trấn an một số nhà phân tích rằng nước này không muốn xung đột lan rộng hơn. Mới đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan vừa có chuyến đi đến Tehran trong nỗ lực ngăn căng thẳng leo thang.

Ngoài Iran, Israel còn phải xem xét phản ứng của các đồng minh của Iran, đặc biệt đối với vụ ám sát chỉ huy Hezbollah. Câu hỏi đặt ra là liệu phản ứng của Iran có bao gồm sự phối hợp với các đồng minh, đặc biệt là Hezbollah và lực lượng Houthi tại Yemen, hay không.

Ông Imad Salamey, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Mỹ - Lebanon, cho rằng Hezbollah và Iran có thể sẽ liên lạc chặt chẽ về phản ứng của họ, mặc dù bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ mang tính chiến lược và tránh để xung đột lan rộng.

Theo giới phân tích, nếu Iran đạt được sự cân bằng phù hợp trong phản ứng của mình, khu vực sẽ tránh được một cuộc chiến tranh tổng lực. Thay vào đó, căng thẳng âm ỉ sẽ tiếp tục với việc Iran đối đầu Israel chủ yếu thông qua các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực.

Phương Võ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/da-mot-tuan-troi-qua-iran-con-tinh-toan-gi-voi-israel-196240807104340152.htm