Đà Nẵng: Bệnh nhân nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ có kết quả âm tính

Liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện tại khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng, chiều tối 19-10, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, đã có kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang. Theo đó, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này có kết quả dương tính với bệnh tay chân miệng và âm tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Tiêm vắc xin góp phần ngăn ngừa bệnh đậu mùa (trong ảnh, Trạm Y tế P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu tiêm vắc xin cho trẻ em, ảnh có tính minh họa).

Tiêm vắc xin góp phần ngăn ngừa bệnh đậu mùa (trong ảnh, Trạm Y tế P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu tiêm vắc xin cho trẻ em, ảnh có tính minh họa).

Chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Ông Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi nhận báo cáo nhanh từ Bệnh viện (BV) Đà Nẵng (BV), tại khoa Y học nhiệt đới của BV phát hiện một trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ (trú Q.Liên Chiểu), ngày 17-10, Sở Y tế TP đã có thông báo hỏa tốc số 5078 gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) và BV Đà Nẵng về việc khẩn trương triển khai các biện pháp đáp ứng trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Theo đó, Sở Y tế đề nghị BV Đà Nẵng cách ly tạm thời bệnh nhân tại chỗ để theo dõi, điều trị, chăm sóc sức khỏe đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhân viên y tế sử dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp khi thăm khám, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, phối hợp với CDC Đà Nẵng triển khai hiệu quả phương án số 4339 ngày 6-9-2022 của Sở Y tế và thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát thông tin, tránh trường hợp gây hoang mang, lo lắng tại BV.

Đối với CDC Đà Nẵng, Sở Y tế đề nghị khẩn trương phối hợp với BV Đà Nẵng thực hiện khai thác thông tin, điều tra, giám sát dịch tễ ca bệnh; lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm xác định đậu mùa khỉ theo quy định. Xem xét chủ động xử lý môi trường trong trường hợp cần thiết. Hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp BV Đà Nẵng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đậu mùa khỉ theo phương án số 4339 và các biện pháp chuyên môn khác, kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện.

Trên cơ sở chỉ đạo của Sở Y tế, chiều 18-10, CDC Đà Nẵng đã có công văn khẩn gửi BV Đà Nẵng, Trung tâm Y tế các quận, huyện thực hiện các biện pháp xử lý với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Cụ thể, CDC Đà Nẵng yêu cầu BV Đà Nẵng cách ly tạm thời bệnh nhân theo đúng quy định, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, BV lập danh sách tất cả nhân viên, người có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khi tại BV để tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có). Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa việc vệ sinh, lau chùi, khử trùng các khu vực có liên quan đến bệnh nhân tại BV…

Riêng Trung tâm Y tế Q.Liên Chiểu, CDC Đà Nẵng đề nghị điều tra thêm thông tin bệnh nhân, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để tư vấn, hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có). Cấp phát Chloramin B và hướng dẫn người nhà bệnh nhân vệ sinh, lau chùi tại địa chỉ lưu trú theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ trên cơ thể người.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ trên cơ thể người.

Dấu hiệu lâm sàng thiên về bệnh tay chân miệng

Liên quan đến ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ này, theo bác sĩ Phạm Trúc Lâm - Phó Giám đốc phụ trách CDC Đà Nẵng, thông qua việc điều tra dịch tễ, lịch sử đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân thì không có mối liên hệ nào với các bệnh nhân đã mắc đậu mùa khỉ trước đó. Ngoài ra, các triệu chứng, yếu tố lâm sàng của bệnh nhân thiên về bệnh tay chân miệng bị bội nhiễm hơn là đậu mùa khỉ. Để chắc chắn, CDC Đà Nẵng đã gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định. Trong lúc chưa có kết quả cuối cùng, ngành y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo quy định.

Được biết, trước tình hình ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở tỉnh, thành trên cả nước, trước đó (ngày 9-10), Sở Y tế Đà Nẵng đã có công văn khẩn số 4910 về việc tăng cường truyền thông, giám sát, phát hiện sớm, phòng, chống dịch, thu dung và điều trị. Bên cạnh đó, ngành Y tế Đà Nẵng cũng đã xây dựng phương án với 3 tình huống để chủ động ứng phó phòng, chống bệnh này.

Đinh Nga

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-benh-nhan-nghi-ngo-benh-dau-mua-khi-co-ket-qua-am-tinh-post285230.html