Đà Nẵng cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm theo giờ

TP Đà Nẵng bắt buộc phải tính đến phương án cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm theo khung giờ dù có thể gây khó cho ngành du lịch.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Đà Nẵng chật cứng xe khách du lịch” đăng ngày 16-7, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần thêm những giải pháp mang tính tổng thể để hóa giải việc từng “binh đoàn” xe khách du lịch cỡ lớn đi vào nội thành gây ùn tắc giao thông.

Mâu thuẫn giao thông - du lịch

Thông tin từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay trên địa bàn TP hiện có 111 công ty lữ hành nội địa, 163 công ty lữ hành quốc tế và 46 chi nhánh lữ hành quốc tế. Thống kê cho thấy tổng số xe khách du lịch biển số Đà Nẵng đang hoạt động là 3.961 xe, trong đó có 751 xe trên 30 chỗ. Hệ thống camera giám sát giao thông công cộng của Đà Nẵng ghi nhận trung bình cứ 100 xe khách du lịch chạy vào nội thành thì có khoảng 21 xe biển số ngoại tỉnh.

Từ thực trạng ùn tắc do xe khách du lịch gây ra, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã trình UBND TP phương án điều tiết các loại xe vào trung tâm, trong đó có xe khách và xe tải, chia khung giờ cấm xe trên 30 chỗ vào nội đô. Phương án này căn cứ trên hệ thống đường bao trung tâm TP, bao phủ cả quận Thanh Khê và phần lớn quận Hải Châu (phía nam đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) đã được TP thống nhất.

Thừa nhận tình trạng kẹt xe trở nên trầm trọng thì bắt buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải có những giải pháp để giảm thiểu nhưng theo ông Đoàn Hải Đăng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, làm gì cũng phải hài hòa lợi ích các bên, cấm nhiều quá sẽ gây trở ngại cho phát triển du lịch.

“Các phương án như cấm xe theo giờ, phân tuyến đường… chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển khách du lịch. Trong khả năng cho phép thì các đơn vị lữ hành sẽ linh động đưa đón du khách vào theo giờ. Tuy nhiên, cần lưu ý cấm các khung như 11-12 giờ là giờ ăn trưa sẽ bất tiện. Cần phải có giải pháp được nhiều bên đồng thuận” - ông Đăng góp ý.

Tuyến đường Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu “nghẹt thở” vì xe khách du lịch. Ảnh: TẤN VIỆT

Tuyến đường Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu “nghẹt thở” vì xe khách du lịch. Ảnh: TẤN VIỆT

Hài hòa lợi ích

Theo kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, nội thành là nơi tập trung các trung tâm thương mại, ăn uống. Riêng nội thành Đà Nẵng còn là nơi chuyển tiếp du khách qua bờ đông TP để tiếp cận biển, các điểm tham quan... nên các trục đường chính chật kín xe khách du lịch là dễ hiểu.

Ông cho rằng nên cho xe đi vào các trục đường có mặt cắt lớn. Đồng thời, quy hoạch bãi đỗ xe tập trung để du khách có thể đi bộ trong bán kính 500 m trở lại mới hiệu quả. “Ví dụ, Bảo tàng Chăm, thành Điện Hải, trục đường Hùng Vương - chợ Hàn… chưa có bãi đỗ xe thì phải đề xuất, phải thu hồi thêm đất để làm bãi đỗ xe” - ông Hải nói.

Trong ngày 19-7, Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng truyền đạt ý kiến thống nhất của UBND TP Đà Nẵng về phương án điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ vào trung tâm TP, hạn chế lưu thông trên các đoạn, tuyến đường nằm trong khu vực các tuyến đường bao: Nguyễn Tất Thành - Lý Thái Tông - Hoàng Thị Loan - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Hai Tháng Chín - Bạch Đằng - Ba Tháng Hai - Nguyễn Tất Thành trong thời gian 11-12 giờ và 16-19 giờ. TP giao Sở GTVT báo cáo cụ thể phương án triển khai thực hiện.

TP cũng giao Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất phương án quản lý đậu đỗ xe (như cấm đỗ xe giờ cao điểm, cấm đỗ xe 24/24 giờ, thu phí đậu đỗ…) trên các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, có nguy cơ ùn tắc, tránh tình trạng đậu đỗ xe tràn lan, thu hẹp lòng đường, giảm khả năng thông hành phù hợp với tình hình thực tế.

Sở GTVT có nhiệm vụ chỉ đạo đơn vị tư vấn kiểm tra, rà soát, cập nhật và tính toán đầy đủ diện tích bãi đỗ xe cho từng giai đoạn, đề xuất diện tích, quy mô bãi đỗ xe cần quy hoạch bổ sung cho từng khu vực để làm cơ sở nghiên cứu, chọn địa điểm quy hoạch trong thời gian sắp tới, báo cáo TP xem xét, quyết định. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các phương án như mở rộng đường, xây dựng đường trên cao, nút giao khác mức… đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trong tương lai trên một số tuyến đường trục chính như Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương; đường Hai Tháng Chín - Cách Mạng Tháng Tám…

“Sở GTVT so sánh, đánh giá tính hiệu quả giữa giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng với giải pháp phân luồng tổ chức lại giao thông theo các chỉ tiêu tác động về kinh tế, xã hội để lựa chọn phương án tối ưu cho TP” - thông báo nêu.

Cũng tại thông báo này, TP yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất việc giảm xây dựng các nhà cao tầng tại khu vực trung tâm, ven biển, tránh quá tải hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết trong tháng tới, Sở GTVT sẽ có giải trình về cách xử lý. Phải chọn giải pháp hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Tháng 2-2019, UBND TP Đà Nẵng có văn bản thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư 14 bãi đỗ xe trên địa bàn TP theo hình thức đối tác công tư để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tuy nhiên, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn vì các nhà đầu tư “chê” lợi nhuận từ bãi đỗ xe thấp, lâu hoàn vốn, nhất là các bãi đỗ xe cần kết cấu phức tạp như lắp ghép, đỗ ngầm…

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/da-nang-cam-xe-tren-30-cho-vao-trung-tam-theo-gio-847173.html