Đà Nẵng cần chọn kinh tế số để đột phá
Kinh tế số phải là trọng tâm trong đề án Chuyển đổi số đồng thời là giải pháp chính để phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo về Đề án chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025 diễn ra chiều 22-3.
Kinh tế số phải là trọng tâm trong đề án Chuyển đổi số đồng thời là giải pháp chính để phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo về Đề án chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025 diễn ra chiều 22-3.
Động lực để giải quyết “điểm nghẽn”
Theo Đề án chuyển đổi số (CĐS) Đà Nẵng đến năm 2025 thì 3 trụ cột chính sẽ gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đề án đặt mục tiêu tới năm 2025 Đà Nẵng thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS. Khi đó kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của TP, trung bình 3 doanh nghiệp số/1 ngàn dân, tạo ra ít nhất 75 ngàn lao động chất lượng cao, có ít nhất 5 DN công nghệ số trên địa bàn có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm, 70% DN sản xuất công nghiệp có sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm lưu trữ dữ liệu phục vụ kinh tế số ở Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, CĐS là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển TP, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và ASEAN. Thuận lợi của Đà Nẵng khi CĐS là kế thừa kinh nghiệm và kết quả khá cơ bản từ 10 năm triển khai Chính quyền điện tử và 2 năm triển khai Đề án thành phố thông minh. Bên cạnh đó, nền công nghiệp CNTT của TP đã dần hình thành (năm 2020 đã đóng góp 7,8% GRDP), trung bình có 2 DN công nghệ số/1.000 dân (gấp 4 lần trung bình cả nước), đây là điều kiện cơ bản thực hiện mục tiêu CĐS. Theo ông Quảng, CĐS không phải là tập hợp các ứng dụng CNTT mà là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất kinh doanh, kết hợp với tư duy ứng dụng công nghệ số từ đó tạo ra các dịch vụ mới, đem lại giá trị mới. Đặc biệt dữ liệu số là tài nguyên để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động quản lý kinh tế, xã hội. “Đà Nẵng xác định quan điểm CĐS phải lấy người dân, DN làm trung tâm; trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Để triển khai CĐS tại Đà Nẵng thành công, điều đầu tiên mang tính quyết định cần phải có chiến lược, giải pháp đúng đắn, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao”- ông Quảng nhấn mạnh.
Cần dữ liệu chuẩn và sạch
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Đà Nẵng cần hỗ trợ kinh phí xây dựng nhóm DN chủ lực về CĐS, chứ hỗ trợ hết các DN để CĐS là không thể. Khi có nhóm DN chủ lực về CĐS sẽ tạo lan tỏa, hướng dẫn, hỗ trợ các DN khác. Bởi lẽ phần lớn các DN của Đà Nẵng qui mô nhỏ, siêu nhỏ, để tự thân CĐS sẽ lúng túng, nhưng được các DN chủ lực am hiểu, có kinh nghiệm CĐS hướng dẫn, hỗ trợ thì quá trình này diễn ra nhanh hơn. Cũng theo ông Quân, hiện nay nguồn nhân lực về CĐS đặc biệt về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… rất khan hiếm. Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu CĐS, Đà Nẵng phải có chiến lược cụ thể đào tạo nhân lực công nghệ số chất lượng cao. Đào tạo nghề chỉ cần vài năm, chứ đào tạo chuyên gia, kỹ thuật cao cấp về công nghệ số cần thời gian và cả cơ chế hấp dẫn để thu hút, giữ chân những nhân lực này ở lại TP làm việc. Cuối cùng, ông Quân cho rằng, trong kinh tế số thì dữ liệu chính là tài nguyên, tài sản, một loại tài sản đặc biệt, càng chia sẻ càng có giá trị. Mà đã là tài sản thì cần cơ chế sử dụng, quyền sở hữu dữ liệu…tức là phải có luật về dữ liệu. Tuy nhiên, hiện chưa có luật này, dẫn tới việc sử dụng, bảo hộ, chia sẻ… rất lúng túng, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi số.
Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, cái khó hiện nay là cơ sở dữ liệu sạch và chuẩn. Đơn cử như cơ sở dữ liệu đất đai, một vấn đề rất nóng, Đà Nẵng đã quyết tâm xây dựng mấy năm nay, nhưng vừa qua đưa vào sử dụng vẫn vướng mắc vì biến động liên tục, không kịp cập nhật dữ liệu mới. Chưa kể tâm lý ngại, không muốn chia sẻ dữ liệu ở một số ngành, lĩnh vực. Do đó rất cần có Luật về dữ liệu. Riêng về nhân lực chuyển đổi số, ông Quảng cho biết TP đang quyết tâm đẩy nhanh thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng cũng như đô thị đại học phía Nam, đây là cái nôi tạo nguồn nhân lực chất lượng. Tuy nhiên, cái khó là đầu vào để đào tạo. Đơn cử như mô hình đào tạo của FPT rất tốt, được đánh giá cao, nhưng bản thân FPT cũng gặp khó khi thiếu nhân lực để đào tạo.
Có gì khác biệt?
CĐS là cuộc chạy đua, đòi hỏi phải nhanh, song phải thành công, mà muốn vậy phải có gì đột phá, khác biệt? GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong 3 trụ cột CĐS thì Đà Nẵng phải có đột phá về kinh tế số, như vậy mới khác biệt so với nhiều địa phương. Nếu 3 cuộc cách mạng công nghiệp lần trước máy móc thay thế cơ bắp, sức người nhưng cuộc cách mạng 4.0 thì máy móc thay trí tuệ (trí tuệ nhân tạo). Đà Nẵng cần phải xây dựng trung tâm nghiên cứu sản phẩm thông minh. Phải có sản phẩm thông minh từ Đà Nẵng, đây là xu hướng của đời sống tương lai, và nếu chuẩn bị sớm từ bây giờ, Đà Nẵng mới có đột phá, khác biệt. Ông Ga cho rằng, Đà Nẵng cần xin cơ chế đặc thù thành lập Sở Kinh tế số để chuyên về lĩnh vực này. Về nguồn nhân lực cho CĐS, ông Ga nói Đà Nẵng phải có hướng đào tạo chuyên sâu, chứ cứ đào tạo đại trà, dàn trải như hiện nay sẽ rất khó có nhân lực. Điểm mạnh ở Đà Nẵng có nhiều trường đại học, trong đó một số ngành rất mạnh, nên phối hợp, không phân biệt công, tư để cùng đào tạo về nhân lực công nghệ số và nghiên cứu sản phẩm thông minh. “Khi có ý tưởng, công nghệ sẽ đi theo, từ đó sẽ có sản phẩm thông minh, và với nền tảng ấy, địa phương khác muốn cũng không có”- ông Ga nhấn mạnh.
PGS.TS.Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng tán thành quan điểm Đà Nẵng phải có khát vọng, phải tạo ra khác biệt. Nhưng khát vọng phải bắt đầu bằng những thứ cụ thể. Chẳng hạn về du lịch thì phải CĐS thế nào để đem lại hiệu quả? Làm sao mỗi xã, mỗi phường phải có một cái gì cụ thể về CĐS để có thể lan tỏa ra cả ASEAN? Đà Nẵng liệu có y tế cộng đồng tốt nhất châu Á không? Ông Bình cho rằng, Đà Nẵng phải chọn lựa cái nào mạnh nhất để CĐS, tức là phải có trọng tâm, sau đó đầu tư cho nó để vượt trội lên. “Đà Nẵng muốn là ông trùm cái gì? Chứ cái gì cũng muốn làm ông trùm thì khó thắng. Chúng ta phải lựa chọn, vì tiền chúng ta hữu hạn, chứ tiền nhiều thì cái gì cũng chọn. Chọn đúng, làm tốt, Đà Nẵng sẽ vượt lên Hà Nội, TPHCM, khát vọng Đà Nẵng mới thành hiện thực”- ông Bình nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng CĐS qua 3 giai đoạn là số hóa, tin học hóa và chuyển đổi mô hình. Nếu 2 giai đoạn đầu (phần số) làm rất dễ, nhưng đến giai đoạn 3, phần chuyển đổi mô hình là quan trọng nhất. Thông thường sẽ tuần tự từ 1, 2, 3 song cũng có thể làm phần chuyển đổi trước. Chẳng hạn như học online chẳng cần lên lớp bây giờ cũng được cấp bằng, chất lượng như bằng chính qui. Mô hình thay đổi thì công nghệ đi theo. Đà Nẵng có nhiều lợi thế về CĐS, vấn đề vẫn là cách làm, nếu đột phá, chẳng hạn thay đổi qui trình thông thường, khả năng thành công sẽ nhanh hơn.
HẢI QUỲNH
Chiều 22-3, Đà Nẵng đã công bố Quyết định thành lập 2 Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số, đồng thời lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày chuyển đổi số Đà Nẵng.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_240322_da-nang-can-chon-kinh-te-so-de-dot-pha.aspx