Đà Nẵng: Cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

TP Đà Nẵng cần tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm...

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP năm 2024 ước tăng 7,51%, xếp thứ 7/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, và xếp thứ 29/63 địa phương trên cả nước. Quy mô nền kinh tế TP theo giá hiện hành ước đạt hơn 150.000 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.000 tỷ đồng so với năm 2023; tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành và dẫn đầu các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ.

Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang ngày càng giảm.

Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang ngày càng giảm.

Đáng chú ý Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, theo chỉ tiêu được Nghị quyết 43-NQ/TƯ (ngày 24/1/2019) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra, đến năm 2030 cơ cấu kinh tế TP gồm ngành dịch vụ chiếm 62 – 65%, công nghiệp và xây dựng 28 – 30%, nông nghiệp 1 – 2%.

Tuy nhiên qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TƯ, mặc dù quy mô nền kinh tế Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong năm 2024 nhưng khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì xu hướng thu hẹp tỷ trọng, ngược lại khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục mở rộng tỷ trọng trong cơ cấu GRDP.

Theo đó, khu vực dịch vụ từ 70,52% năm 2023 lên 71,14% trong năm 2024; ngược lại khu vực công nghiệp - xây dựng thu hẹp từ 18,9% xuống 18,5%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hẹp từ 1,92% xuống 1,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,59% trong cơ cấu GRDP, giảm 0,07 điểm phần trăm so với năm 2023.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định, việc cơ cấu kinh tế TP ngày càng lệch về phía khu vực dịch vụ và giảm tỷ trọng công nghiệp – xây dựng không những chưa bảo đảm theo đúng định hướng của Nghị quyết 43-NQ/TƯ của Bộ Chính trị mà còn hàm chứa nhiều yếu tố rủi ro, mất cân đối do ngành dịch vụ rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài.

Ông cho biết, kết quả khảo sát đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nhiều DN đối mặt với khó khăn do thị trường đầu ra sản phẩm hạn chế; một số DN không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào… Đồng thời việc triển khai đầu tư phát triển hạ tầng KCN, cụm công nghiệp của TP còn chậm so với tiến độ đề ra, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các DN công nghiệp.

“Đặc biệt, có nhiều DN gặp khó khăn về tài chính trong khi giá tiền thuê đất sản xuất còn khá cao so với nhiều địa phương khác trong vùng và trên cả nước. Đây cũng là một hạn chế để DN mở rộng sản xuất, giảm bớt áp lực về tài chính, dồn nguồn lực cho đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp cho tăng trưởng chung của cả khu vực công nghiệp và tăng thu ngân sách cho địa phương”, ông Trần Văn Vũ nói.

Ông Vũ nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử...

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/da-nang-can-day-manh-cac-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep/20250107070826922