Đà Nẵng chia 3 vùng từ 5/9, nới lỏng quy định ở vùng vàng, vùng xanh
Từ 8 giờ ngày 5/9 cho đến khi có thông báo mới, toàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố
Chiều 3/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-UBND về việc tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, từ 8 giờ ngày 5/9 cho đến khi có thông báo mới, toàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố theo từng cấp độ: nguy cơ rất cao (vùng đỏ); có nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng); nguy cơ thấp (vùng xanh).
Cụ thể, đối với vùng đỏ: Tiếp tục áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với vùng vàng (bao gồm cả vùng/điểm xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã vùng vàng): Áp dụng các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố; tiếp tục yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà.
Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi tham gia các hoạt động với các điều kiện, biện pháp như sau: phải có Giấy đi đường QRCode kèm theo giấy tờ tùy thân; thực hiện nghiêm quy định 5K, không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; đeo tấm che mặt trong suốt khi tham gia hoạt động giao tiếp trực tiếp; thực hiện di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại.”
Bên cạnh đó, trong vùng vàng, người dân được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố. Trường hợp cần thiết đi ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố để mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc thì phải có Giấy đi đường do Ủy ban Nhân dân phường, xã cấp.
Các công ty thương mại đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini), các điểm bán hàng tại khu dân cư, điểm bán hàng tại một số chợ chỉ được bán hàng thông qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động, không được bán trực tiếp cho người dân.
Hoạt động của ngân hàng: bố trí tối đa 40% số người làm việc. Hoạt động của cảng biển: bố trí tối đa 50% số người làm việc. Hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: bố trí tối đa 50% số người làm việc (trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ," bố trí tối đa 70% số người làm việc). Nếu nhà máy ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: bố trí tối đa 30% số người làm việc" (trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ,” bố trí tối đa 50% số người làm việc)...
Hoạt động của cơ quan, công sở nhà nước trong vùng vàng: bố trí tối đa 30% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp), tiếp tục dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại các Tổ một cửa; đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.
Đối với vùng xanh (thiết lập theo quy mô cấp phường, xã khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm COVID-19 trong cộng đồng): Áp dụng quy định giống như vùng vàng và bổ sung các hoạt động sau: Người dân được đi chợ truyền thống với tần suất 05 ngày/lần (mỗi hộ gia đình chỉ được 1 người đi chợ và phải có Giấy đi chợ QRCode).
Hoạt động tại chợ phải có vách ngăn giữa người bán, người mua và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế tại Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021.
Đồng thời, tại các khu vực vùng xanh, người dân được tập thể dục đi bộ ngoài trời và tham gia các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác.
Bên cạnh đó, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng, giãn cách giữa những người mua hàng; giao hàng tận nơi cho khách hàng...
Tại Quyết định trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Trung Chinh cũng chỉ đạo: Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và hướng dẫn của Sở Y tế và Sở thông tin và truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chỉ đạo cập nhật danh sách địa bàn vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh trên ứng dụng (, ) để người dân biết, thực hiện.
Trước đó, từ ngày 16/8, toàn thành phố Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, dừng toàn bộ các hoạt động không thiết yếu, thực hiện “ai ở đâu ở yên đấy” nhằm truy vết và ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trên địa bàn.
Đến nay, theo các số liệu thống kê và đánh giá của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, công tác siết chặt các hoạt động đã đạt được thành công đáng kể, số ca mắc mới đã có chiều hướng suy giảm, tình hình cơ bản được kiểm soát.
Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19
Chiều 3/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, số ca mắc COVID-19 tăng hơn so với ngày hôm trước, điều này cho thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở các lĩnh vực, địa bàn.
Theo ông Quảng, ngày 5/9, thành phố tròn 20 ngày thực hiện “ai ở đâu thì ở đó.”
Đến nay, Đà Nẵng tự tin cắt được chuỗi lây nhiễm, kiểm soát dịch bệnh và đủ cơ sở để xác định, đánh giá được các vùng có nguy cơ. Bên cạnh đó, các ca phát sinh trong các khu phong tỏa đã được khoanh vùng, các ca cộng đồng trong những ngày gần đây đã giảm.
Điều này cho thấy Đà Nẵng đã đánh giá mức độ nguy cơ, chủ động kiểm soát được mức độ gia tăng F0. Ngoài ra, năng lực ngành y tế thành phố hoàn toàn chủ động trong việc cách ly tập trung và điều trị, số ca tử vong chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cung cấp, tính từ 13 giờ ngày 2/9 đến 13 giờ ngày 3/9, Đà Nẵng ghi nhận 81 trường hợp mắc COVID-19.
Trong đó, 31 trường hợp đã cách ly tập trung, 8 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm cách ly tại nhà, 36 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 4 trường hợp làm việc 3 tại chỗ tại công ty, 1 trường hợp xét nghiệm đại diện hộ gia đình, 1 trường hợp có triệu chứng.
Hiện Đà Nẵng có 5/7 quận, huyện ghi nhận số ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang). Trong đó, các quận, huyện ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao là quận Thanh Khê cao nhất (34 ca), quận Hải Châu (5 ca), quận Sơn Trà (5 ca).
Đà Nẵng hiện có 12 xã, phường/5 quận, huyện không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp gồm Nam Dương, Phước Ninh (quận Hải Châu); An Hải Bắc, Mân Thái (quận Sơn Trà); Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn); Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu).
Như vậy tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.227 ca mắc COVID-19.
Trong ngày 3/9, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 88.583 lượt người; phát hiện, cách ly 58 F1, 66 F2; đang điều trị 2.050 bệnh nhân, 90 bệnh nhân khỏi bệnh.
Hiện toàn thành phố có 231 vùng đỏ (Thanh Khê giảm 1 điểm, Sơn Trà giảm 5 điểm, Ngũ Hành Sơn giảm 11 điểm).
Thực hiện Kế hoạch 158/KH-UBND, từ ngày 31/8- 3/9/2021, thành phố đã xét nghiệm 308.862 lượt người (đạt tỷ lệ 102,4%), phát hiện 3 ca mắc, 5.479 lượt người chưa có kết quả./.
Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 3/9
Đà Nẵng:
- Số ca nhiễm: 4.988 ca
- Số ca tử vong: 70 ca
- Tiêm chủng: 224.302 liều
Trong nước:
- Số ca nhiễm: 486.727 ca
- Số ca tử vong: 12.138 ca, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 9.974 ca; Thủ đô Hà Nội: 44 ca.
- Số ca khỏi bệnh: 259.324 ca.
- Số tiêm chủng: 20.831.478 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.872.356 liều, tiêm mũi 2 là 2.959.122 liều.
Thế giới:
- Số ca nhiễm: 220.102.827
- Số ca tử vong: 4.559.552
- Số ca hồi phục: 196.775.984