Đà Nẵng chuẩn bị Đại hội Đảng: Khởi động sự chuyển mình từ miền núi đến đô thị
Thành phố Đà Nẵng (mới) đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các xã, phường nhiệm kỳ 2025 – 2030. Từ miền núi cao đến đô thị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều hướng về đại hội cấp cơ sở với niềm tin và kỳ vọng lớn, coi đây là 'bản lề' đánh dấu sự chuyển mình.
Thành phố Đà Nẵng (mới) đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các xã, phường nhiệm kỳ 2025 – 2030. Từ miền núi cao đến đô thị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều hướng về đại hội cấp cơ sở với niềm tin và kỳ vọng lớn, coi đây là “bản lề” đánh dấu sự chuyển mình. Mỗi xã, phường đang nỗ lực hoàn tất công tác nhân sự, xây dựng văn kiện, triển khai các chương trình phát triển, quyết tâm đưa thành phố tiến lên, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và miền núi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Miền núi Đà Nẵng: Khát vọng vươn lên từ gian khó
Trong căn nhà nhỏ tại thôn An Đông, xã Hiệp Đức, thành phố Đà Nẵng, bà Trần Thị Thanh Hải, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (cũ) năm nay ngoài 70 tuổi, ánh mắt vẫn đầy nhiệt huyết như những ngày trước đi từng bản, làng vận động dân xây dựng Đảng, phát triển kinh tế. Vùng đất đã gắn bó suốt 2/3 cuộc đời, đi lên từ gian khó, nay xã đã có một diện mạo mới.

Bà Trần Thị Thanh Hải, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức kỳ vọng xã Hiệp Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2030.
Tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ xã Hiệp Đức, bà Hải cho rằng, Trung tâm phục vụ hành chính công của xã thay đổi cách thức vận hành từ quản lý sang phục vụ người dân. Bà Trần Thị Thanh Hải tin rằng, với bộ máy mới, xã Hiệp Đức sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, mối quan hệ giữa chính quyền và người dân sẽ ngày càng gần gũi, thân thiện: “Khi tham gia góp ý văn kiện Đại hội tôi cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi thấy được quyết tâm cao của chính quyền địa phương. Xã mới có điều kiện để hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra một khí thế mới, tâm thế mới. Tất nhiên, vẫn còn những khó khăn như cơ sở hạ tầng ở vùng xa còn hạn chế. Nhưng người dân tin tưởng rằng sắp tới sẽ có những chuyển biến tích cực. Việc tập trung nâng cao đời sống cho các hộ nghèo cũng rất cần thiết”.

Không khí phấn khởi chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Hiệp Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.
Xã Hiệp Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quế Tân, Quế Lưu và thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (cũ) được chọn là một trong 10 xã, phường tổ chức Đại hội Đảng bộ sớm nhất của thành phố Đà Nẵng (mới).

Xã Hiệp Đức vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quế Tân, Quế Lưu và thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (cũ).
Diện tích rộng, dân số đông, kết cấu hạ tầng đang dần hoàn thiện cùng những lợi thế nổi bật về nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ, du lịch sinh thái, xã Hiệp Đức được đánh giá là địa bàn giàu tiềm năng phát triển.
Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên sau sáp nhập, xã Hiệp Đức đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 95 triệu đồng vào năm 2030, tăng gần 40% so với mức hiện tại (hơn 58 triệu đồng/năm). Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cũng được xác lập ở mức bình quân 11%/năm. Những chỉ tiêu ấy thể hiện rõ khát vọng vươn lên trở thành trung tâm nông thôn mới nâng cao, hiện đại ở khu vực miền núi phía Tây thành phố Đà Nẵng (mới).

Ông Lê Quang Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Đức (đứng giữa) chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã.
Ông Lê Quang Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Đức cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, như thu hút đầu tư và hình thành các cụm công nghiệp. Về phát triển kinh tế tư nhân, xã sẽ khuyến khích và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, giúp người dân từ hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, xã Hiệp Đức sẽ hạn chế trồng cây cao su và keo, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ và dược liệu, nhằm cải thiện đời sống người dân”.

Các xã miền núi thuộc thành phố Đà Nẵng (mới) đang tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ xã.
Dù còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, địa bàn rộng, giao thông cách trở, nhưng các xã miền núi như Trà Tân, Trà Giác, A Vương, Ch’Ơm, A Xan..., thành phố Đà Nẵng (mới) đang tập trung xây dựng văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã, chuẩn bị nhân sự đảm bảo cơ cấu, chất lượng và tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Người dân nơi đây, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, bày tỏ kỳ vọng sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, một không gian phát triển mới sẽ mở ra, tạo vị thế mới cho cả miền núi và miền xuôi. Ông Nguyễn Hồng Lai, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân (xã Trà Giác và Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũ), thành phố Đà Nẵng cho biết, xã đang nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng này.

Ông Nguyễn Hồng Lai, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân trong một lần đi thực tế tại các thôn vùng sâu, vùng xa.

Xã Trà Tân có hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao.
“Về văn kiện Đại hội Đảng bộ xã, chúng tôi đã lấy ý kiến. Các ý kiến đóng góp sẽ giúp hoàn thiện văn kiện và đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025. Ban Chấp hành cũng đã ban hành nghị quyết để lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Về công tác nhân sự, chúng tôi đã điều chuyển và tăng cường cán bộ từ xã Trà Tân và các phòng ban, với các cán bộ chủ chốt được bổ sung. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để thể hiện quyết tâm và trách nhiệm trong công việc" - ông Nguyễn Hồng Lai nhấn mạnh.
Đồng bằng tạo động lực phát triển cho thành phố mới
Phường Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng (sáp nhập từ 3 phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trước đây) hiện có 51 tổ chức Đảng và gần 2.300 đảng viên. Đây là khu vực mang dấu ấn đô thị trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam. Giai đoạn 2020-2025, ba phường cũ đã triển khai hơn 120 công trình hạ tầng, trong đó nhiều dự án công cộng góp phần tạo không gian sống văn minh. Kinh tế phường Tam Kỳ phát triển mạnh, với ngành thương mại và dịch vụ tăng 10,5%/năm, công nghiệp – xây dựng đạt 15,5%, tổng thu ngân sách trong nhiệm kỳ qua vượt 446 tỷ đồng.

Phường Tam Kỳ được thành lập sau khi sáp nhập 3 phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ cũ.
Với lợi thế về vị trí lịch sử, nền tảng hạ tầng và động lực phát triển mới, phường Tam Kỳ đang hướng tới trở thành mô hình phường trung tâm kiểu mẫu.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy phường Tam Kỳ cho biết, phường sẽ phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại là trọng tâm, đồng thời chú trọng công nghiệp và nông nghiệp đô thị. Đội ngũ cán bộ hiện tại, được điều động từ các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam và thành phố Tam Kỳ, đều là những người có năng lực, đã qua thử thách thực tiễn.

Một góc phường Tam Kỳ nhìn từ trên cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Bí thư Đảng ủy phường Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng (mới).
Bà Nguyễn Thị Thu Lan cho biết, đây là nền tảng quan trọng để Đảng bộ phường Tam Kỳ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trong 5 năm đến: “Cán bộ cấp tỉnh, thành phố về công tác tại phường có thể ban đầu có phát sinh tâm tư, do đó Đảng bộ phường Tam Kỳ cần quán triệt tinh thần, thái độ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò chính quyền cơ sở. Trung ương, Thành ủy đã nhấn mạnh, cán bộ cấp cơ sở phải trực tiếp giải quyết công việc với dân, không còn cấp trung gian, yêu cầu phải chính xác ngay từ xã, phường. Đồng thời, các chính sách, chế độ đãi ngộ của Trung ương và Chính phủ sẽ hỗ trợ, động viên cán bộ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả”.
Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng: Bước ngoặt đưa thành phố trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước
Sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng (mới) có diện tích tự nhiên 11.859,59 km² và dân số hơn 3 triệu người, gồm 94 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố này đang hướng tới trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước, với nhiều chính sách đột phá, như thành lập Khu Thương mại tự do và Trung tâm Tài chính quốc tế, khẳng định vị thế động lực miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy xã Tây Giang để nghe báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: mục tiêu phát triển hài hòa giữa miền núi và đồng bằng, không để khu vực nào bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, khu vực miền núi phía Tây sẽ được đầu tư chiến lược để giảm nghèo bền vững, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và số hóa. Đồng thời, thành phố sẽ triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trước thiên tai, sạt lở, và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành phố Đà Nẵng (mới) có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Quảng lưu ý, quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội phải gắn chặt với việc lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo dân chủ, công khai, đồng thuận, làm nền tảng cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ mới.

Thành phố Đà Nẵng (mới) được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
“Phấn đấu hoàn thành Đại hội Đảng bộ cấp xã, phường vào tháng 7/2025 và Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2025-2030 vào cuối tháng 8/2025. Sớm hoàn thành đại hội để triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và miền núi, đồng bằng và vùng sâu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần xây dựng bộ máy hoạt động hiệu quả, lắng nghe và tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân để triển khai vào thực tế” - ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.