Đà Nẵng: Có cán bộ miền núi ở cùng người dân để làm việc
Theo ông Trần Nam Hưng, thời gian đầu sau sáp nhập có nơi cán bộ miền núi ở cùng người dân để làm việc.
Sáng 9-7, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, và đoàn công tác số 6 đã tới làm việc tại xã Bến Giằng.
Xã rộng nhất TP Đà Nẵng
Qua kiểm tra tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bến Giằng, ông Trần Nam Hưng cho hay trong hơn một tuần qua, các địa phương vận hành chính quyền hai cấp rất tốt, người dân vui mừng.

Ông Trần Nam Hưng kiểm tra Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bến Giằng. Ảnh: TN
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng điều kiện làm việc của các xã miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Ông đề nghị chính quyền xã Bến Giằng nêu rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Báo cáo đoàn công tác, ông Châu Ngọc Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Bến Giằng, cho hay xã có diện tích rộng nhất TP, hơn 535km2. Trụ sở làm việc của xã Bến Giằng bố trí ở 3 nơi, cơ bản đảm bảo điều kiện làm việc ban đầu nhưng còn chật chội, xuống cấp.
Theo ông Vĩnh, địa bàn quản lý xã rất rộng, cán bộ phải đi lại rất xa để đến nơi làm việc. Hiện nay xã còn thiếu 2 trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng. Cán bộ có chuyên môn sâu còn thiếu ở các lĩnh vực xây dựng, dự án, đất đai, đầu tư, đặc biệt là công nghệ thông tin.
“Trong những ngày vừa qua, anh em vừa làm vừa học, tự mày mò để đáp ứng công việc”, ông Vĩnh nói.
Chủ tịch xã Bến Giằng kiến nghị UBND TP, các sở, ngành quan tâm khảo sát bố trí kinh phí tu sửa trụ sở làm việc, nhà công vụ cho cán bộ. Có chính sách cho cán bộ công chức đi làm xa. Luân chuyển cán bộ có chuyên môn cao ở các xã đồng bằng đến miền núi làm việc.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã chưa đảm bảo, người dân rất mong mỏi tuyến QL14D đang bị cày nát sớm được khởi công. TP cần tìm giải pháp đáp ứng nguồn nguyên vật liệu xây dựng để xóa 168 nhà tạm trước 30-9.
Cũng theo ông Vĩnh, xã Bến Giằng mới cơ bản đạt 15/19 tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã đề xuất xây dựng nông thôn mới tập trung vào đời sống, thu nhập của người dân, các chính sách cho học sinh địa phương.

Cán bộ đoàn hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: TN
“Đạt chuẩn nông thôn mới nhưng người dân không có thu nhập gì thêm, trong khi các chính sách bị cắt hết, người dân sẽ thiệt thòi. Cần chính sách để người dân có động lực phấn đấu, chứ không phải là tâm lý không muốn lên nông thôn mới”, ông Vĩnh chia sẻ.
Có nơi cán bộ ở cùng người dân để làm việc
Trước những khó khăn, vướng mắc của cán bộ xã Bến Giằng, ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lưu ý, so với nhiều địa phương miền núi thì xã này còn tốt hơn nhiều, điều kiện làm việc cơ bản.
“Nhiều địa phương không có chỗ làm việc, một phòng nhỏ phải bố trí cho 8 người, cán bộ không có bếp ăn tập thể nên ở cùng người dân”, ông Hưng nói và nhận định: thời gian đầu sẽ có những khó khăn. Vì vậy đề nghị lãnh đạo, cán bộ xã động viên nhau cố gắng, say sưa cống hiến.

Ông Trần Nam Hưng cho hay, có xã miền núi cán bộ ở cùng người dân để làm việc. Ảnh: TN
Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo xã phân công cho tất cả các bộ phận, mỗi người đều phải rõ việc của mình, lãnh đạo xã xác định các việc trọng tâm cần phải đeo bám, xử lý, làm việc nào dứt việc đó.
Ông Hưng ghi nhận ý kiến về chi phí hỗ trợ cho cán bộ có nhà cách xa nơi làm việc nhưng thấp hơn quy định chung. Ông giao các sở tính toán, xem xét đối với miền núi có thể thấp hơn quy định chung, bởi thực tế rất khác.
Để giải quyết bài toán thiếu cán bộ ở miền núi, thừa cán bộ ở đồng bằng, ông Hưng nêu giải pháp luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ từ đồng bằng lên miền núi để làm việc, đào tạo chuyên môn.