Đà Nẵng có gì khi 3 năm liên tiếp dẫn đầu các địa phương về chuyển đổi số?

Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích để người dân và doanh nghiệp sử dụng trên môi trường số.

Lời tòa soạn

Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. VietNamNet thực hiện tuyến bài: "Bứt phá chuyển đổi số ở các ngành, địa phương", giới thiệu các bài học mà các đơn vị đã triển khai để có kết quả tích cực trong lĩnh vực này.

Đề án Chuyển đổi số Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo bước đột phá trên các lĩnh vực, hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh. Trong đó, xác định thực hiện chuyển đối số với 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Với việc chuyển đổi số được thực hiện quyết liệt ở các cấp, mọi lĩnh vực, đã trở thành động lực để đưa Đà Nẵng phát triển.

Bức tranh tươi sáng được thể hiện khi thành phố này xếp vị trí thứ nhất về chuyển đổi số cấp tỉnh lần thứ 3 liên tiếp (2020-2022), theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2022 được Bộ TT&TT công bố ngày 12/7.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2023, Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Trong đó 96% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu tại Kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là 50%).

Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4

Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4

Ngoài các dịch vụ hành chính công, thành phố đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên cổng dịch vụ công. Đưa vào sử dụng kho dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính số… để phục vụ cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp sử dụng lại trong giao dịch.

Kinh tế số cũng đóng góp gần 20% GRDP thành phố. Tại Đà Nẵng hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước).

Hiện nay, 100% phường, xã đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 14.000 thành viên. Đà Nẵng có 20 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về chuyển đổi số. Cơ bản mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với mã ID duy nhất; mỗi học sinh có 1 mã ID gắn với học bạ điện tử; số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố hơn 3,55 triệu tài khoản, gấp 6 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang triển khai hạ tầng mạng 5G tại các tuyến đường, khu vực công cộng. Hạ tầng IoT bước đầu hình thành và phát triển. Mạng đô thị thành phố (Mạng MAN); mở rộng kết nối hệ thống Wifi thành phố. Hình thành Trung tâm Giám sát thông minh Mini IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TT&TT…

Ba năm liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu các địa phương về chuyển đổi số

Ba năm liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu các địa phương về chuyển đổi số

Toàn thành phố có 3 khu công nghệ thông tin tập trung và đã đầu tư xây dựng khu công viên phần mềm số 2, hiện nay đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào hoạt động, khai thác.

Đà Nẵng đã xây dựng sàn thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên mỗi trường trực tuyến; đã có hơn 1.770 doanh nghiệp và 2.582 sản phẩm tham gia trên sàn.

Chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số. Những năm qua thành phố đứng đầu nhiều tiêu chí về chuyển đổi số, đã thể hiện sự tích cực vào cuộc của các ban, ngành trên địa bàn.

Điều đó được thể hiện khi Đà Nẵng triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng trên môi trường số.

Người dân Đà Nẵng làm thủ tục cấp đổi hồ sơ trực tuyến

Người dân Đà Nẵng làm thủ tục cấp đổi hồ sơ trực tuyến

Cụ thể, Đà Nẵng đã hình thành các cơ sở dữ liệu nền và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Từ cơ sở đó, các cơ quan đã bắt đầu khai thác, sử dụng một số dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ số, thay thành phần hồ sơ giấy như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy đăng ký kinh doanh…

Đồng thời hình thành kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Kho dữ liệu Đà Nẵng được Bộ TT&TT đánh giá cao và giới thiệu cho các tỉnh thành thực hiện.

Cổng Dịch vụ công Đà Nẵng đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính với nhiều đối tác và phương thức thanh toán. Với Nền tảng Cổng Dịch vụ công, thành phố triển khai thêm các thủ tục hành chính ngoài một cửa, các dịch vụ sự nghiệp công.

Cổng Dịch vụ công Đà Nẵng đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia

Cổng Dịch vụ công Đà Nẵng đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia

Cùng với đó, đưa vào sử dụng nền tảng Da Nang Smart City để người dân, doanh nghiệp tra cứu hồ sơ một cửa, xe buýt, vi phạm giao thông, giá đất, tiền điện, nước, bãi đỗ xe.... Ứng dụng đã có gần 1,2 triệu lượt tải, sử dụng.

Phát triển nền tảng công dân số MyPortal cho phép định danh, xác thực, mỗi người dân có 1 hồ sơ số và được gắn mã QR cá nhân duy nhất để phục vụ thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước hoặc sử dụng các dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp như điện, nước, y tế... Đến nay thành phố đã có khoảng 45% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số, góp phần đẩy mạnh tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn triển khai nhiều ứng dụng nổi bật khác để phục vụ người dân như: Cổng Góp ý Đà Nẵng và Cứu hộ (hơn 1.000 lượt/tháng); ứng dụng Cho và Nhận và Tổng đài 1022 (10.000 lượt/tháng); ứng dụng Chatbot tự động tư vấn hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công (hơn 4.000 lượt tư vấn/tháng)…

Hướng đến thành phố thông minh

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục phát triển các nền tảng dữ liệu; tạo lập số hóa và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, phát triển nguồn nhân lực CNTT và kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT gắn với kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân và 75.000 lao động chất lượng cao.

Đà Nẵng sẽ có chính sách đặc thù ưu đãi cho các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chuyển đổi số đến làm việc

Đà Nẵng sẽ có chính sách đặc thù ưu đãi cho các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chuyển đổi số đến làm việc

Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng phát triển nhân lực khu vực công; xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi cho các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chuyển đổi số đến làm việc.

Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt khó khăn (theo chuẩn của thành phố), để người dân có thể tiếp cận các ứng dụng chuyển đổi số.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số giao nhiệm vụ trọng tâm cho thành phố tổ chức triển khai mô hình chuyển đổi số điển hình trong năm 2023.

Theo ông Triết, chuyển đổi số là điểm rất sáng của Đà Nẵng, khi 3 năm liên tiếp dẫn đầu các tỉnh về chuyển đổi số và 14 năm liên tiếp về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố.

“Để có được chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thì phải đòi hỏi công dân số, chính vì thế sự tham gia của người dân vào công cuộc chuyển đổi số rất quan trọng. Bên cạnh đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và tổ chức ứng dụng trong thực tiễn nhằm đơn giản hóa thủ tục, mang lại tiện lợi cho người dân”, ông Triết nhấn mạnh.

Bài 2: Đồng bộ hạ tầng số giúp Quảng Ninh vượt lên trong xếp hạng chuyển đổi số

Hồ Giáp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/da-nang-co-gi-khi-3-nam-lien-tiep-dan-dau-cac-dia-phuong-ve-chuyen-doi-so-2168273.html