Đà Nẵng: Cử tri kiến nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công chậm

Ngày 29/7, tại kỳ họp thứ 19 HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết, dư luận nhân dân và cử tri quan tâm nguyên nhân giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 chậm và kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm.

Dự án đầu tư xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu.

Dự án đầu tư xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết, kinh tế TP quý II tăng trưởng 8,35%, 6 tháng tăng trưởng 5%. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GRDP vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra trong năm 2024; cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; giải ngân vốn đầu tư công chưa bảo đảm kế hoạch.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Lê Văn Trung, cử tri và nhân dân đánh giá cao trong thời gian qua chính quyền TP đã đề ra các giải pháp điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, công trình trên địa bàn; tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu…

Tuy nhiên, thực tế đến ngày 30/6/2024 giải ngân vốn đầu tư công trên toàn địa bàn mới đạt 1.840,746 tỷ đồng (bằng 25,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 20,7% kế hoạch HĐND TP giao). Công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án còn chậm (mới hoàn thành 962/4.472 hồ sơ, bằng 21,51% kế hoạch quý II/2024)...

“Dư luận nhân dân và cử tri quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm và kiến nghị TP cần làm rõ trách nhiệm; xác định giải pháp khắc phục tình trạng trên và đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư để người dân trong vùng có dự án, công trình ổn định cuộc sống”, ông Lê Văn Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Văn Trung, cử tri và nhân dân TP Đà Nẵng lo lắng khi số lượng doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, giải thể và rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng. Cụ thể, DN đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 15,4% so với cùng kỳ (tương đương 3.072 DN và đơn vị trực thuộc).

Từ đầu năm đến nay, có 278 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. TP đã tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đối với 6 DN và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm 530,8 tỷ đồng.

“Điều này có tác động không nhỏ đến việc làm của công nhân, người lao động. Đề nghị TP có giải pháp kịp thời tháo gỡ những tồn tại, khó khăn về cơ chế, điều kiện, chính sách để DN vượt qua khó khăn chung hiện nay, thu hút DN mới đầu tư, hoạt động”, ông Trung nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng cho biết, cử tri và nhân dân mong muốn TP khẩn trương xây dựng, ban hành và hiện thực hóa Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng (thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14) theo thẩm quyền của HĐND TP.

Trong đó, cần chú trọng một số nội dung mới, trọng tâm như triển khai thí điểm khu thương mại tự do đầu tiên của cả nước tại TP Đà Nẵng; xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học công nghệ cao của cả nước, trước mặt tập trung vào một số ngành mới nổi như công nghiệp chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… để thu hút các nhà đầu tư lớn; hình thành trung tâm tài chính quốc tế, khu vực…

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/da-nang-cu-tri-kien-nghi-lam-ro-nguyen-nhan-trach-nhiem-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cham/20240729034144980