Đà Nẵng đảm bảo an ninh nguồn nước

Kiểm tra tại nhà máy nước Cầu Đỏ và trạm bơm An Trạch chiều 5-7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao các giải pháp chủ động đảm bảo an ninh nguồn nước của Đà Nẵng.

Kiểm tra tại nhà máy nước Cầu Đỏ và trạm bơm An Trạch chiều 5-7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao các giải pháp chủ động đảm bảo an ninh nguồn nước của Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra an ninh nguồn nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra an ninh nguồn nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Xây đập ngăn mặn

Đà Nẵng hiện có 7 nhà máy nước tổng công suất cung cấp cho TP gần 290 ngàn m3/ngày đêm. Trong đó, khoảng 80% nước sạch cung cấp từ nhà máy nước Cầu Đỏ, lấy nguồn nước thô sông Cẩm Lệ. Khi nguồn nước thô sông Cẩm Lệ nhiễm mặn sẽ lấy nguồn từ sông Yên tại đập An Trạch cung cấp cho NMN Cầu Đỏ. Ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, trong thời gian gần đây, nguồn nước sông Cẩm Lệ thường xuyên bị xâm nhập mặn với tần suất và mức độ gia tăng, thời gian kéo dài. Năm 2019 số ngày nhiễm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ 212 ngày. Để đảm bảo nguồn nước thô 560 ngàn m3/ngày đêm theo qui hoạch cấp nước TP tới năm 2030, Dawaco đã đề xuất xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp nâng cấp, mở rộng cầu Hòa Xuân cách cửa thu nước Cầu Đỏ khoảng 4,5km về phía hạ du. Việc xây dựng công trình ngăn mặn này sẽ giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn cho sông Cẩm Lệ, tạo ra vùng sinh thái nước ngọt ổn định cung cấp cho TP. Ngoài ra, sẽ giúp các hồ chứa thủy điện tiết kiệm đáng kể lượng nước xả về để giảm xâm nhập mặn; không phải bỏ chi phí vận hành trạm bơm nước thô nên sẽ giảm chi phí sản xuất nước.

Cũng theo ông Hương, hiện số lượng mạng lưới đường ống cũ quá nhiều đến thời kỳ xuống cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng cấp nước sinh hoạt, mặc dù tại NMN Cầu Đỏ Dawaco đã đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến, đủ tiêu chuẩn nước uống trực tiếp với 60 ngàn m3/ngày đêm. Tuy vậy, việc cải tạo tuyến ống cũ dưới vỉa hè, đường nhựa để giảm thất thoát và nâng cao chất lượng nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra việc phát triển nóng các khách sạn, nhà hàng không nằm trong quy hoạch cũng như sự gia tăng dân số cơ học làm cho việc cung cấp nước gặp khó khăn, nhất là dịp lễ hội, mùa hè. Đặc biệt, ông Hương nói, giá nước trung bình hiện 6.100 đồng/m3 đã duy trì thời gian dài, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất luôn tăng hàng năm, dẫn tới nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của TP.

Dawaco cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân TP hiện nay là xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp cầu giao thông thuộc dự án nâng cấp, mở rộng cầu Hòa Xuân.

Đoàn công tác kiểm tra an ninh nguồn nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Đoàn công tác kiểm tra an ninh nguồn nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Phải lưu ý công nghệ

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhu cầu nguồn nước sạch cung cấp cho Đà Nẵng trong tương lai rất lớn, tới 800 ngàn m3/ngày đêm, vì thế cần có lộ trình, giải pháp ngay từ bây giờ. Phải tránh tình trạng như vừa qua, chỉ thiếu nước trong một thời gian ngắn đã có những bất ổn về xã hội. Ông Hiển nói, trước tiên phải đảm bảo an toàn, an ninh cho nguồn nước thô. Trong đó, hệ thống đập ngăn mặn ở miền Trung rất quan trọng, cần thiết. Phương án làm đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ chỉ để giải quyết trước mắt. Về lâu dài, đập ngăn mặn phải tính đến công nghệ tiên tiến, tự động hóa. Tức là dùng hệ thống thủy lực, tự động hóa, tới độ mặn nhất định quan trắc được sẽ tự đóng đập. Thậm chí ngay cả cửa ngăn mặn cũng phải tính loại thép công nghệ chống rỉ, chống ăn mòn. Tránh tình trạng như ở Huế vừa qua, độ ăn mặn lớn, thép rỉ, buộc phải thay bằng cửa thép chống rỉ hơn 200 tỷ đồng.

Một vấn đề khác ông Hiển lưu ý để đảm bảo an ninh nguồn nước thô, đó là việc phối hợp, vận hành hệ thống hồ chứa, thủy điện sông Vu Gia, Thu Bồn. “Đà Nẵng cạnh Quảng Nam, nơi có nhiều thủy điện, độ dốc lớn, phải có giải pháp tránh tình trạng mất an toàn hồ đập, gây lụt lội cho TP. Đồng thời phải có phương án chi tiết từ cắt lũ, xả lũ và phối hợp nhuần nhuyễn giữa 2 địa phương”, ông Hiển nói. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu sử dụng nguồn nước của Quảng Nam chủ yếu phục vụ tưới tiêu, chỉ cần xả nước thời vụ, nhưng Đà Nẵng chủ yếu phục vụ sinh hoạt, nhu cầu xả nước hàng ngày. Do đó 2 địa phương cần phải thực hiện tốt qui định của Chính phủ về vận hành hồ đập sông Vu Gia, Thu Bồn. Cụ thể, trong tình huống nào thì xả nước chống xâm nhập mặn hay xả nước phục vụ nông nghiệp, đều phải có sự hài hòa.

Về giá nước sinh hoạt, ông Hiển đồng ý quan điểm phải tính đúng, tính đủ theo quy luật thị trường. Bởi vì khi tính đúng, tính đủ sẽ có giá tốt để thu hút nhà đầu tư, đồng thời có nguồn lực để duy tu bảo dưỡng, tái đầu tư nâng cấp chất lượng nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên ông Hiển cũng lưu ý, việc tính đúng, tính đủ giá nước phải theo lộ trình phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tin tưởng với tư duy, tầm nhìn và các giải pháp cụ thể, Đà Nẵng sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_227473_da-nang-dam-bao-an-ninh-nguon-nuoc.aspx