Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho người dân, du khách tắm biển
Mùa hè, lượng người dân, du khách đi tắm biển, tham gia các hoạt động thể thao trên biển tại thành phố Đà Nẵng rất đông. Những ngày nắng nóng, dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần, các bãi biển du lịch ở thành phố này đông kín người. Lực lượng cứu hộ bãi biển phải đi sớm, về muộn hơn ngày thường để trực canh, sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp đuối nước.
Khoảng 5h sáng, tại các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng như: Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Non Nước… rất đông người dân, du khách đi tắm biển và tập luyện thể dục thể thao. Lực lượng cứu hộ bãi biển Đà Nẵng đã có mặt tại bãi biển từ lúc 4h30 phút, bên người luôn có phao cứu sinh, còi để cảnh báo và sẵn sàng cứu hộ khi xảy ra trường hợp đuối nước.
Mùa hè, người đi tắm biển rất sớm và đông nhất là vào buổi chiều. Vì vậy, nhân viên cứu hộ lúc nào cũng phải hướng ra khu vực tắm để quan sát, khi phát hiện người vào vùng tắm nguy hiểm hoặc bị đuối nước là kịp thời ứng cứu. Nhiều trường hợp trẻ em đi tắm không mang áo phao, do mải chơi, các cháu bị trôi ra xa hoặc bị cuốn vào dòng nước xoáy, lực lượng cứu hộ phải hỗ trợ đưa vào.
Ông Nguyễn Văn Đông, nhân viên cứu hộ bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Mùa hè, lực lượng cứu hộ thay phiên nhau trực liên tục, kể cả ít người tắm biển vẫn phải trực. Mọi người trong đội cứu hộ chia khu vực bãi tắm để quản lý, một người quản lý khoảng vài trăm mét. Đã có biển báo nguy hiểm sẵn đó nhưng họ không biết, mình phải nhắc nhở không được tắm, nhất là trẻ em".
Đến các bãi biển du lịch Đà Nẵng, người dân và du khách không khó để nhận ra lực lượng cứu hộ với trang phục màu vàng, đỏ. Sáng sớm, họ ra biển thả phao khoanh vùng tắm an toàn, cắm biển cảnh báo cấm tắm vùng nước biển xoáy, nguy hiểm. Nếu phát hiện trường hợp nào đi vào “vùng cấm” thì họ thổi còi cảnh báo hoặc hỗ trợ đưa khách vào bờ. Trước đây, người dân, du khách khi xuống tắm biển thường để đồ dùng, áo quần trên bờ. Lợi dụng sơ hở, không người trông coi, một số đối tượng lấy cắp. Hiện nay, các bãi biển du lịch Đà Nẵng có thêm lực lượng trật tự bãi biển, thường xuyên tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường bãi tắm.
Dự báo, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (diễn ra từ ngày 2/6 - 8/7) và kỳ nghỉ hè này rất đông. Dịp này, ngành du lịch Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí và thể thao bãi biển. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông báo thời gian trực của lực lượng cứu hộ bãi biển để tránh những sự cố đuối nước đáng tiếc. Theo đó, khuyến cáo người dân, du khách không tắm ở những khu vực không có lực lượng cứu hộ và tắm ngoài thời gian trực của lực lượng cứu nạn; không tắm biển trong những ngày thời tiết xấu và lên bờ khi có hiệu lệnh thông báo hết giờ trực cứu hộ.
Mới đây, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã mời các chuyên gia Hiệp hội Cứu hộ của Australia tập huấn về các kỹ năng sơ cứu người đuối nước cho lực lượng cứu hộ bãi biển. Nhân viên cứu hộ được hướng dẫn cách hồi sinh tim phổi nạn nhân đuối nước, nghiệp vụ sử dụng phao cứu hộ, kỹ năng chạy, bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, trao đổi các nghiệp vụ nhận biết dòng chảy, vùng xoáy trên biển, tín hiệu cứu hộ, vận chuyển nạn nhân…
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay mùa hè này, đơn vị huy động tất cả lực lượng cứu hộ và trật tự bãi biển đi sớm, về muộn hơn ngày thường để đảm bảo an toàn cho du khách: “Hiện nay các bãi tắm có 2 khung giờ tắm biển, những khung giờ tắm chính, lực lượng cứu hộ luôn có mặt, còn những khu vực nguy hiểm gắn biển cảnh báo. Trên bãi biển có hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát cảnh báo khi thời tiết xấu hoặc có người dân, du khách tắm ở khu vực không an toàn và nhân viên đến nhắc nhở”./.