Đà Nẵng đặt nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn nội địa

Dự án Fab-Lab trị giá 1.800 tỷ đồng vừa được khởi công tại Đà Nẵng, đánh dấu bước đi chiến lược đầu tiên của thành phố trong ngành công nghệ đóng gói vi mạch tiên tiến, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước.

Sáng 28/7, tại Khu Công nghệ thông tin tập trung – Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, TP. Đà Nẵng chính thức khởi công dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói vi mạch bán dẫn (Fab-Lab) với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Đây không chỉ là dự án đầu tiên tại miền Trung về công nghệ đóng gói vi mạch tiên tiến, mà còn được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho cụm đổi mới sáng tạo bán dẫn tại Đà Nẵng và cả nước.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Tham dự lễ khởi công có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đức Long; Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Kỳ Minh; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Quang Bửu cùng đại diện các sở, ban, ngành, giới khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ khởi công.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ khởi công.

Dự án Fab-Lab do Công ty VSAP LAB làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng trên diện tích 2.288m², với tổng diện tích sàn hơn 5.700m², dự kiến đưa vào vận hành từ quý IV năm 2026.

Fab-Lab được thiết kế thành hai phân khu chức năng: phòng Lab phục vụ nghiên cứu công nghệ đóng gói tiên tiến như Fan-out Wafer Level Packaging (FOWLP), 2.5D/3D IC, Silicon Interposer...; và phòng Fab phục vụ sản xuất thử nghiệm với hệ thống thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế như lithography (quang khắc), wafer bonding, hệ thống đo kiểm chuyên dụng.

Theo thiết kế, Fab-Lab có khả năng sản xuất 10 triệu sản phẩm mỗi năm, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Bảo Anh – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành VSAP LAB cho biết, dự án là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo Quyết định 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Fab-Lab không chỉ là một dự án đầu tư, mà còn là nơi hội tụ năng lực công nghệ, đào tạo nhân lực và thử nghiệm sản phẩm cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam”, ông Bảo Anh nhấn mạnh.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Đóng gói – kiểm thử là một mắt xích chiến lược, giúp Việt Nam đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Fab-Lab là mô hình kiểu mẫu về sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, mở ra cơ hội lớn trong chuyển giao công nghệ, thử nghiệm đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực trình độ cao”.

Bộ KHCN cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP. Đà Nẵng trong việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ, kết nối hạ tầng nghiên cứu và triển khai với các chương trình cấp quốc gia và quốc tế.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, để đi đường dài với ngành công nghiệp bán dẫn, điều kiện tiên quyết là phải có năng lực thực tế: có sản phẩm, có nhân lực được đào tạo trong môi trường ứng dụng và có nơi để doanh nghiệp thử nghiệm. “VSAP Lab chính là không gian hiện thực hóa điều đó – một phòng lab mở, dùng chung, vận hành linh hoạt theo mô hình công – tư, kết nối sâu rộng với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết thị sát tại công trình.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết thị sát tại công trình.

Để đảm bảo tính đồng bộ, thành phố đã chủ động lồng ghép cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 136 của Quốc hội với các Nghị quyết 57, 58, 59 của HĐND TP. Đà Nẵng, nhằm hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

Fab-Lab không chỉ là một phòng thí nghiệm riêng lẻ mà được định hướng trở thành hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực và cả nước.

Cùng trong khuôn khổ chương trình, Đoàn công tác của Bộ KHCN đã đến thăm lớp đào tạo thiết kế vi mạch VLSI – Physical Design tại tầng 4, tòa nhà ICT1. Lớp học do Trung tâm DSAC phối hợp với Synopsys Việt Nam, Tập đoàn Sovico và tổ chức TreSemi (Hoa Kỳ) tổ chức, với sự tham gia giảng dạy của ông Phil Hoàng – Quản lý Kỹ thuật cao cấp Công ty Skyworks Solutions, Inc, thu hút 38 học viên là giảng viên và sinh viên chuyên ngành bán dẫn từ các trường đại học trên địa bàn.

Đoàn công tác của Bộ KHCN đã đến thăm lớp đào tạo thiết kế vi mạch VLSI – Physical Design tại tầng 4, tòa nhà ICT1.

Đoàn công tác của Bộ KHCN đã đến thăm lớp đào tạo thiết kế vi mạch VLSI – Physical Design tại tầng 4, tòa nhà ICT1.

Đoàn cũng đến gặp gỡ 26 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Công viên phần mềm số 2 – các đơn vị đang được TP. Đà Nẵng hỗ trợ mặt bằng và điều kiện làm việc theo chính sách ưu đãi đầu tư công nghệ cao.

Tại đây, đoàn công tác đã ghi nhận thực tiễn triển khai, lắng nghe đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, làm cơ sở hoàn thiện chính sách và đẩy mạnh kết nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái công nghệ cao: chính quyền – doanh nghiệp – cơ sở đào tạo – viện nghiên cứu.

Không chỉ đơn thuần là khởi công một dự án công nghệ, sự kiện Fab-Lab mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Từ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nhân lực, từ thu hút đầu tư đến thử nghiệm công nghệ, TP. Đà Nẵng đang từng bước định vị mình trên bản đồ bán dẫn toàn cầu – với một khởi đầu nghiêm túc, bài bản và đầy kỳ vọng.

Trâm Trần

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/da-nang-dat-nen-mong-cho-nganh-cong-nghiep-ban-dan-noi-dia-487183.html