Đà Nẵng: Đề xuất phương án xử lý Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy
Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đề xuất 2 phương án xử lý những sai phạm về chủ trương đầu tư và bán căn hộ khi chưa được phép bán... tại dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (Block B).
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng về những tồn tại, vướng mắc tại Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (block B) mặc dù chưa nghiệm thu nhưng đã đưa dân vào ở.
Qua kết quả rà soát và ý kiến của các sở ngành liên quan, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng xét thấy tại dự án có một số tồn tại, vướng mắc như: Dự án đã được triển khai xây dựng, tuy nhiên hiện tại chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục khác có liên quan.
Chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục có liên quan, như: nghĩa vụ tài chính; nghiệm thu công trình; nghiệm thu PCCC; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường... để đưa công trình vào sử dụng.
Dự án chưa được Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng, nghiệm thu công tác PCCC theo đúng quy định nhưng đã bàn giao nhà cho người dân vào ở nên không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng, nguy hiểm đối với người và tài sản là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về PCCC và pháp luật về xây dựng.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, từ ngày 1-1-2021, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành, chỉ quy định thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở KH-ĐT, tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư”.
Tại khoản 4 Điều 115 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định: “a Đối với dự án đã xác định được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xác định chủ đầu tư và đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 mà chưa được giải quyết trước ngày 1-1-2021 thì được tiếp tục thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. b) Đối với dự án chưa xác định được chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 mà chưa được giải quyết trước ngày 1-1-2021 thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này”.
Từ cơ sở nêu trên, Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị 2 phương án xử lý:
- Phương án 1:Không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vì việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi dự án đã triển khai thực hiện là không đúng quy định. Yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng hoàn thiện thủ tục chấp thuận nghiệm thu hệ thống PCCC, môi trường, kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Sau khi hoàn thành các yêu cầu nêu trên, dự án trên thuộc loại hình bất động sản có sẵn, việc kinh doanh bất động sản áp dụng theo quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (không có quy định về thông báo của cơ quan chức năng về nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán).
Về phương án này, thuận lợi là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, khó khăn là hiện tại, Chủ đầu tư chưa thực hiện một số các thủ tục có liên quan, trong đó có thủ tục xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để bán, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất.
- Phương án 2:Tiếp tục thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án theo Luật Nhà ở năm 2014 được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 115 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định.
Phương án này có thuận lợi là đảm bảo pháp lý để thực hiện các thủ tục có liên quan còn lại của dự án như: Thủ tục xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để bán, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất, thủ tục nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng... Tuy nhiên, khó khăn là vi phạm nguyên tắc về đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2020.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án, đề nghị Sở TN-MT sớm tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng phê duyệt nghĩa vụ tài chính phát sinh do điều chỉnh quy hoạch của dự án. Cục Thuế TP Đà Nẵng thực hiện việc thông báo, thu hồi về ngân sách số tiền sử dụng đất thất thu, 10% tiền sử dụng đất đã giảm theo Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án theo quy định.