Đà Nẵng: Đề xuất thực hiện tái thiết đô thị tại một số địa điểm không khả thi

UBND TP Đà Nẵng báo cáo việc lựa chọn một số khu vực có diện tích phù hợp ở trung tâm TP để ưu tiên huy động, kêu gọi nguồn lực đầu tư tái thiết đô thị, trình kỳ họp thứ 19 HĐND TP sẽ diễn ra từ ngày 24 – 26/7.

Thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 115/NQ-HĐND (ngày 14/12/2023) của HĐND TP về lựa chọn một số khu vực có diện tích phù hợp ở trung tâm TP để ưu tiên huy động, kêu gọi nguồn lực đầu tư, UBND quận Hải Châu đã đề xuất tái thiết đô thị phường Bình Hiên, diện tích 24.639m2 (gồm khoảng 327 thửa đất, phần lớn là đất ở; khoảng 365 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu).

Chợ Nại Hiên (phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã xuống cấp nặng nề.

Chợ Nại Hiên (phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã xuống cấp nặng nề.

UBND quận Thanh Khê đề xuất tái thiết đô thị khu vực chợ Hải Sản (phường Thanh Khê Đông), diện tích 40.910m2 (gồm khoảng 3779 thửa đất, phần lớn là đất ở và đất nguồn gốc mồ mả chưa chuyển mục đích sử dụng đất).

UBND quận Sơn Trà đề xuất tái thiết đô thị khu vực An Vĩnh (phường An Hải Tây), diện tích khoảng 57.050m2 (trong đó khu dân cư hiện hữu 22.792m2 với khoảng 136 thửa đất, 164 hộ dân, 675 nhân khẩu).

Theo UBND TP Đà Nẵng, địa điểm mà UBND các quận đề xuất nêu trên là những khu vực được đánh giá cần thiết tái thiết đô thị để cải thiện môi trường, cảnh quan, chất lượng đô thị theo dự thảo Đề án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị tại các quận trung tâm TP Đà Nẵng, giai đoạn 2023 – 2030.

Qua rà soát quy định pháp luật liên quan, UBND TP Đà Nẵng nhận thấy, trước đây Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị chỉ quy định về khái niệm “dự án tái thiết đô thị”. Nghị định 35/2023/NĐ-CP đã điều chỉnh khoản 9 Điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP, không còn định nghĩa “dự án tái thiết đô thị”.

Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về trình tự thực hiện dự án tái thiết đô thị, chưa đề cập cụ thể các nội dung về kế hoạch tái thiết đô thị; xác định các khu vực được ưu tiên; hình thức phát triển dự án tái thiết khu đô thị và một số nội dung ưu đãi đầu tư, thủ tục chấp thuận dự án tái thiết khu đô thị.

Các dự án tái thiết đô thị không thuộc các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 và Điều 79 Luật Đất đai 2024. Trường hợp thực hiện theo hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ khó bảo đảm tính khả thi về hiệu quả đầu tư.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng không quy định cụ thể, riêng, mang tính đặc thù các chỉ tiêu sử dụng đất đối với việc quy hoạch các dự án tái thiết đô thị, trong khi đây là các dự án mang tính đặc thù, cần có cơ chế riêng để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội.

Do việc đề xuất thực hiện tái thiết đô thị không bảo đảm tính khả thi, UBND TP Đà Nẵng cho biết, trước mắt các địa điểm mà các quận đề xuất sẽ được quản lý đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành trên cơ sở quy hoạch phân khu đã được duyệt. Trường hợp có những đề xuất đầu tư phù hợp quy định pháp luật, UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương hướng dẫn thực hiện.

Trong thời gian tới, UBND TP Đà Nẵng sẽ rà soát, kiến nghị các cấp, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, trước khi xem xét việc tiếp tục triển khai thực hiện các công việc liên quan đến Đề án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị tại các quận trung tâm TP Đà Nẵng, giai đoạn 2023 – 2030 và các dự án tái thiết đô thị để bảo đảm tính khả thi.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/da-nang-de-xuat-thuc-hien-tai-thiet-do-thi-tai-mot-so-dia-diem-khong-kha-thi/20240718091623910