Đà Nẵng đi đầu trong nỗ lực giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã

Ngày 20-4, theo đánh giá từ chiến dịch 'Giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã' tại ba tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, giai đoạn 2019 – 2020 do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện, nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng cả 3 địa phương đã cho thấy kết quả rất tích cực trong việc giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD).

Theo đó, cơ quan chức năng ở các TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xóa bỏ thành công trung bình 86,3% các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD được phát hiện qua chiến dịch. Đặc biệt, Đà Nẵng đạt tỷ lệ xử lý thành công các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD cao nhất với 94%, sau đó là Huế (88%) và Tam Kỳ là 77%.

Các cá thể động vật hoang dã được Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng giải cứu ngày 9-7-2020. Ảnh do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cung cấp.

Các cá thể động vật hoang dã được Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng giải cứu ngày 9-7-2020. Ảnh do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cung cấp.

Trong số 1.369 cơ sở được khảo sát (nhà hàng, hiệu thuốc y dược cổ truyền, cửa hàng thú cảnh, khách sạn, chợ), ENV ghi nhận 81 cơ sở có vi phạm (chiếm 5,9%). Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã xử lý thành công 88,7% các dấu hiệu vi phạm được báo cáo trong giai đoạn khảo sát. Kết quả này cao hơn kết quả tốt nhất từng được ghi nhận tại Hà Nội (65%) và thành phố Hồ Chí Minh (82%). Tỷ lệ phản hồi của cơ quan chức năng tại các địa phương trên đối với các thông báo từ người dân qua ENV bình quân đạt 96,1%, cho thấy nỗ lực dẫn đầu của các cơ quan chức năng miền Trung trong giảm thiểu vi phạm về ĐVHD so với các địa phương khác trên cả nước. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương thành công nhất trong việc xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống, với kết quả thành công ghi nhận trên 80% vụ việc được thông báo.

Từ năm 2013, ENV đã bắt đầu thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về ĐVHD trên địa bàn các thành phố lớn tại Việt Nam nhằm xóa bỏ tình trạng kinh doanh, tiêu thụ ĐVHD trái phép. Đồng thời, giúp đánh giá phản hồi của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm về ĐVHD, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến động vật còn sống do người dân thông báo. Đến nay, chương trình đã được thực hiện trên cả nước với tổng số hơn 16.500 cơ sở được khảo sát.

LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/da-nang-di-dau-trong-no-luc-giam-thieu-vi-pham-ve-dong-vat-hoang-da-657332