Đà Nẵng định hướng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa

Rác thải nhựa luôn là vấn đề nhức nhối trong giai đoạn hiện nay bởi vậy mà giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa cần sự ứng phó kết hợp của các đơn vị chính quyền thành phố và người dân trên địa bàn.

Sáng 20-6, Sở TN-MT, Sở Công thương, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức họp bàn triển khai thực hiện Dự án “Đô thị giảm nhựa tại thành phố Đà Nẵng”

Sáng 20-6, Sở TN-MT, Sở Công thương, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức họp bàn triển khai thực hiện Dự án “Đô thị giảm nhựa tại thành phố Đà Nẵng”

Theo thống kê của Sở TN-MT TP Đà Nẵng, năm 2019, tỷ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường trên địa bàn là 8,3% (khoảng 15,66 tấn/ngày, tương đương 5.715 tấn/năm). Tỷ lệ rác nhựa quay trở lại thị trường là 24,9% (tương đương 50 tấn/ngày) theo con đường phi chính thức. Lượng rác nhựa thất thoát/người/năm là 5kg/người/năm.

Đà Nẵng là một trong các đô thị đầu tiên được xác định ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá trong nhóm đô thị đợt 1 và tiềm năng để tham gia chương trình Đô Thị Giảm Nhựa, cùng với Rạch Giá và Phú Yên.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Quản lý chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) trình bày dự án đô thị giảm nhựa sẽ triển khai tại TP Đà Nẵng

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Quản lý chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) trình bày dự án đô thị giảm nhựa sẽ triển khai tại TP Đà Nẵng

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng nhìn nhận, dự án cần xác định rõ mục tiêu là giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa kèm theo giảm thói quen sử dụng nhựa. Trong quá trình thực hiện, các chuyên gia nên kết hợp với một số hoạt động mà đơn vị trên địa bàn đang tiển khai để cùng tác động kế hoạch chung, đạt mục tiêu sớm hơn năm 2030.

Quận Thanh Khê được chọn là khu vực triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng đến các mục tiêu, thông qua việc làm, đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, không chỉ tác động chỉ riêng quận này. Bên cạnh đó, dự án sẽ chọn ra một chợ để giải quyết triệt để bài toán thu gom trong chợ đồng thời tuyên truyền để người dân sinh sống trên địa bàn không sử dụng túi ni lông, hay rác thải nhựa.

Các đơn vị ký bản cam kết tham gia thực hiện dự án "đô thị giảm nhựa" và thí điểm chợ không sử dụng túi ni lông

Các đơn vị ký bản cam kết tham gia thực hiện dự án "đô thị giảm nhựa" và thí điểm chợ không sử dụng túi ni lông

“Đơn vị sẽ phối hợp các bên liên quan tham quan, kêu gọi đầu tư một nhà máy, nâng cao công nghệ để giải quyết bài toán túi ni lông thân thiện môi trường, thậm chí có thể phối hợp với huyện Hòa Vang trồng lá chuối để cung cấp cho chợ thực hiện dự án thay vì sử dụng túi nhựa, túi ni lông”, ông Tô Văn Hùng cho hay.

Người tiêu dùng Đà Nẵng hào hứng với việc bọc lá chuối

Người tiêu dùng Đà Nẵng hào hứng với việc bọc lá chuối

Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trên địa bàn rất quan trọng. Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng đề xuất tổ chức các cuộc thi giữa các trường học hoặc giữa các chợ với nhau về thực hiện mô hình giảm rác thải nhựa. Từ đó, có thể nhân rộng thông điệp của dự án giảm thiểu rác thải nhựa đến với nhiều đối tượng hơn.

Các đơn vị đoàn thể trên địa bàn quận Thanh Khê thường xuyên triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường

Các đơn vị đoàn thể trên địa bàn quận Thanh Khê thường xuyên triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường

Dân số quận Thanh Khê hiện tại có hơn 180.000 người, lượng rác thải nhựa đưa ra môi trường mỗi năm khoảng 900 tấn. Tại hội thảo, UBND quận Thanh Khê cũng đã đưa ra quyết tâm sẽ phối hợp cùng các bên liên quan thực hiện tốt chương trình này.

Bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, quận đã có đề án thực hiện chương trình Thanh Khê - quận môi trường (2015-2020), dự kiến sẽ còn tiếp tục được kéo dài. Theo đó, đã có 1.200 hộ tiểu thương tham gia sử dụng túi ni lông từ chất liệu thân thiện với môi trường. Tổng kết từ các chợ thí điểm, 35 - 40 tấn túi được sử dụng trong một năm, chiếm 1/3 tổng số lượng túi ni lông được thải ra. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chương trình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

“Các loại túi thân thiện với môi trường có giá thành khá cao và chất lượng không đảm bảo. Do vậy, các hộ dân chỉ dùng khi có ban quản lí tham gia, còn không thì họ sẽ không sử dụng”, bà Vân cho biết.

Cũng tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương đã đồng tình với các thực tiễn và giải pháp được đưa ra từ tổ chức WWF và UBND quận Thanh Khê. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra quan điểm cho rằng cần triển khai nhất quán thành một nhóm, thực hiện thí điểm trên một số chợ lớn cấp thành phố, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến chợ Hàn. Đây được xem là nơi có tính lan tỏa cao, thu hút nhiều khách du lịch, hiệu quả tác động và ảnh hưởng đến cộng đồng rất lớn.

Một số chợ tại thanh khê dùng túi ni lông thân thiện môi trường

Một số chợ tại thanh khê dùng túi ni lông thân thiện môi trường

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty quản lý các chợ cũng nêu rõ lượng rác thải nhựa ở các chợ trên thực tế không nhiều, chủ yếu là rác từ các hộ gia đình. Chính vì vậy việc vận động người dân phân loại rác thải và thu gom, xử lí đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông Ba, các địa phương cũng cần theo sát và hỗ trợ các hộ gia đình những thùng 2 ngăn phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ.

XUÂN QUỲNH - NHẬT LỆ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/da-nang-dinh-huong-ke-hoach-hanh-dong-giam-thieu-rac-thai-nhua-668599.html