Đà Nẵng: Doanh nghiệp gặp khó về đất đai

Tuy có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở địa phương, song hiện nay nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nổi lên là những khó khăn về thủ tục đất đai, thuê đất và cho thuê lại đất, giá thuê đất; đặc biệt là việc chậm cấp 'sổ đỏ'...

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang gặp những vướng mắc, khó khăn về đất đai...

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang gặp những vướng mắc, khó khăn về đất đai...

Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 25 ngày 3/10/2023 giảm tiền thuê đất của năm 2023 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình… Thế nhưng, đến nay một số doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Hòa Khánh hay Khu Công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng vẫn chưa được tiếp cận chính sách này.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Bắc Trung Nam (Khu Công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng), đây là một thiệt thòi rất lớn cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở địa phương phản ánh có tình trạng chậm cấp “sổ đỏ” khiến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bất động sản Sài Gòn (Khu Công nghiệp Hòa Cầm) cho biết, năm 2019, công ty ký hợp đồng thuê lại đất với Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm với diện tích đất hơn 10.000m2. Hiện, doanh nghiệp chỉ được giải quyết cho thuê hàng năm nên không thể đầu tư mở rộng sản xuất. Đã nhiều lần công ty gửi đơn lên Thành ủy, HĐND, UBND thành phố… nhưng vẫn chưa được giải quyết.

"Chúng tôi mong muốn sớm có “sổ đỏ” để vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh", ông Thọ bày tỏ.

Mới đây, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng tổ chức, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có kiến nghị thành phố bố trí xây dựng nhà ở công nhân, đồng thời bàn giao sớm dự án nhà ở xã hội đã xây dựng cho người lao động ổn định cuộc sống.

Ông Chuang Bo Wen, đại diện Công ty TNHH Foxlink (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết, đơn vị sử dụng số lượng từ 10 - 12 nghìn lao động, trong đó đa phần là lao động ngoại tỉnh. Bởi vậy, doanh nghiệp đề xuất thành phố sớm bố trí địa điểm xây dựng nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động đến thành phố cũng như doanh nghiệp làm việc, phát triển kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, cho biết phần lớn doanh nghiệp trong khu công nghiệp có số lượng người lao động nhập cư khá đông nên nhu cầu về nhà ở xã hội cao. Sau khi rà soát, thẩm định trình 8/9 đồ án quy hoạch phân khu, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan đã bố trí 139 ha để phục vụ cho nhà ở xã hội. Đối với Khu Công nghệ cao, đã rà soát, bổ sung 19 ha. Đầu năm 2024, Đà Nẵng đã chấp nhận dự án tại phường Hòa Hiệp Nam, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 1.700 căn hộ. Thành phố cũng đã có chủ trương cấp cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khu thiết chế nhà ở, văn hóa, thể thao trên địa bàn Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), khi hoàn thành sẽ đáp ứng 700 căn hộ.

Ông Trần Văn Hoàng cũng thông tin thêm theo Luật nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 tới đây, sẽ có thêm quy định mới là nhà lưu trú công nhân được phép xây dựng trên đất thương mại dịch vụ, nên đề nghị các doanh nghiệp cùng với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng xem xét, lựa chọn các khu đất thương mại dịch vụ có thể làm cơ sở lưu trú cho công nhân để hỗ trợ nhà ở cho công nhân tốt hơn...

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đã cấp mới 3 dự án đầu tư, trong đó có 1 dự án FDI vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD, 2 dự án trong nước vốn đầu tư 810 tỷ đồng; điều chỉnh 33 lượt dự án, trong đó có 3 lượt dự án trong nước tăng 717,38 tỷ đồng, 2 lượt dự án giảm 40 tỷ đồng và 4 dự án FDI tăng 12,56 triệu USD.

Lũy kế đến nay, đã thu hút 523 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 và khu công nghiệp; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD...

Mới đây, TP. Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với thời gian thí điểm 5 năm. Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Nghị quyết này được kỳ vọng tạo sự đột phá cho Đà Nẵng.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/da-nang-doanh-nghiep-gap-kho-ve-dat-dai-153874.html