Đà Nẵng: Doanh nghiệp gồng mình sản xuất giữa đại dịch

Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất để vừa bảo vệ an toàn cho công nhân vừa giữ được 'vùng xanh' sản xuất.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (chuyên cung cấp thùng carton cho các công ty xuất khẩu-PV), cho biết khoảng 300 công nhân của công ty đã thực hiện 3 tại chỗ trong thời gian qua.

Công ty đã kích hoạt đồng loạt các biện pháp chống dịch ở mức cao nhất, phân chia từng khu vực ăn ở, sinh hoạt cho từng ca kíp, bộ phận để đảm bảo giãn cách. Người lao động được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 liên tục. Riêng nhóm có tiếp xúc với bên ngoài như lái xe, bảo vệ… được xét nghiệm với tần suất 3 lần/ngày. Hiện toàn bộ công nhân này đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19.

“Đây là mùa cao điểm nên công ty phải nỗ lực để đáp ứng đơn hàng với giá cả, tiến độ như cũ mặc dù chi phí sản xuất không hề như cũ. Tất nhiên là có khó khăn nhưng DN phải chấp nhận.

Chúng tôi đang làm tốt nhất có thể, chấp nhận tốn kém chi phí để giữ được “vùng xanh” sản xuất, không để đứt gãy đơn hàng vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín DN cũng như công ăn việc làm của công nhân sau dịch”- ông Thống nói. Ông cũng cho rằng các biện pháp mạnh của TP hiện nay là rất cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân để sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: TÂM AN.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân để sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: TÂM AN.

Ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch công đoàn Công ty Mabuchi Motor (Khu công nghiệp Hòa Khánh), cho hay công ty chỉ duy trì một số bộ phận cần thiết làm việc 3 tại chỗ, bố trí người lao động ở các khu vực khác nhau, tăng cường giám sát, quan triệt rõ không được giao lưu giữa các phòng.

Công nhân tắm rửa, ăn uống theo giờ giấc khác nhau để tránh tập trung đông người, đặc biệt khu vực nhà ăn có đánh số, quy định vị trí của từng người. Ngoài việc xét nghiệm 3 ngày/lần, hơn 1.000 lao động công ty đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1.

“Đây là lần đầu tiên công ty thực hiện 3 tại chỗ, tuy có khó khăn nhưng anh em hợp tác, tuân thủ tốt quy định, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào trong công ty”- ông Tân nói.

Trong khi đó, ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, thông tin từ giữa tháng 7, công ty đã kích hoạt mô hình 3 tại chỗ để sắp xếp khu vực làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí cho khoảng 60 lao động Quảng Nam không thể về quê do dịch.

Chủ trương của DN là cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của công nhân ở mức cao hơn hoặc bằng so với ở nhà. Công ty bố trí phòng tắm, lắp vòi hoa sen, wifi, phòng giặt, khu phơi quần áo thuận tiện cho người lao động.

Công nhân được miễn phí 3 bữa ăn trong ngày, tất cả bữa tối đều là bữa đặc biệt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để phục vụ nhu cầu giải trí của công nhân, công đoàn đã bố trí hai sân cầu lông, lắp đặt thêm các máy tập thể dục.

“Hiện đơn hàng rất nhiều nên công ty rất cần lao động. Nếu để đứt gãy chuỗi sản xuất, đối tác sẽ chuyển sang đặt hàng với các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, Myanmar, Đài Loan”- ông Vũ nói.

Các công nhân vừa sản xuất tại nhà máy vừa đảm bảo chống dịch. Ảnh: TÂM AN.

Các công nhân vừa sản xuất tại nhà máy vừa đảm bảo chống dịch. Ảnh: TÂM AN.

Thực tế DN gặp rất nhiều khó khăn và có những tâm tư nhất định trong thời gian Đà Nẵng phong tỏa cứng toàn TP, thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở đó”.

Một trong số đó là chi phí rất lớn để thực hiện 3 tại chỗ, nếu kéo dài sẽ tạo áp lực không nhỏ cho DN, chưa kể tâm sinh lý, sức khỏe công nhân cũng bị ảnh hưởng. Nhiều DN cũng kiến nghị TP xem xét giảm tần suất xét nghiệm trong thời gian công nhân thực hiện 3 tại chỗ tại công ty.

“Riêng việc xét nghiệm thì DN ý kiến rất nhiều. Họ nói công công nhân 3 tại chỗ trước khi vào công ty đã được xét nghiệm âm tính, giờ yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần sẽ tạo thêm áp lực cho DN, chẳng hạn nếu DN 500 công nhân thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng.

Hộ gia đình xét nghiệm thì được ngân sách TP hỗ trợ, họ cũng là công dân TP nên kiến nghị TP xem xét hỗ trợ DN khoản chi phí này”- lãnh đạo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp Đà Nẵng (Ban quản lý) nêu vấn đề tại cuộc họp với ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.

Chia sẻ với khó khăn với DN, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhiều lần mong muốn các DN thấu hiểu, ủng hộ và tiếp tục đồng hành cùng với TP, bởi lúc này nhiệm vụ chống dịch phải được đặt lên trên hết.

Bắt đầu từ 8 giờ ngày 5-9, Đà Nẵng cho nới lỏng một số hoạt động tại vùng vàng (nguy cơ cao) và vùng xanh (nguy cơ thấp). Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp được bố trí tối đa 50% số người làm việc. Trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 70% số người làm việc.

Ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp bố trí tối đa 30% số người làm việc; trường hợp “3 tại chỗ” bố trí tối đa 50% số người làm việc.

Người lao động khi đi làm phải có giấy đi đường QRCode kèm theo giấy tờ tùy thân, thực hiện nghiêm quy định 5K, di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại”.

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, đến hết ngày 5-9, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 55% đề nghị của DN, người dân, cấp 92.600 giấy đi đường QRCode. Trong đó, người dân mới in ra 72.500 giấy, chiếm 72%. Các trường hợp đề nghị cấp giấy không đúng quy định đều bị từ chối.

TÂM AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/da-nang-doanh-nghiep-gong-minh-san-xuat-giua-dai-dich-1013495.html