Đà Nẵng: Du lịch về đêm bao giờ phát triển?
Hiện nay, so với 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế thì Đà Nẵng yếu hơn về dịch vụ hoạt động du lịch giải trí về đêm.
Đà Nẵng đang hướng tới thành phố hàng đầu du lịch Châu Á thế nhưng hoạt động du lịch về đêm quá đơn điệu đang khiến địa phương lãng phí một nguồn thu lớn.
Du thuyền trên sông Hàn là hoạt động thu hút lượng lớn khách du lịch vào ban đêm khi tới Đà Nẵng.
Hiện nay, có hơn 30 tàu thuyền hoạt động vào ban đêm. Mùa nắng, trung bình mỗi đêm có hơn 2.000 khách mua vé lên tàu trải nghiệm vẻ đẹp thành phố. Mùa mưa, lượng khách giảm hơn nhưng vẫn duy trì ở mức 1.000 đến 1.500 khách.
Giá vé đối với khách đi theo đoàn là 70.000 đồng/vé, khách đi lẻ là 150.000 đồng/vé. Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống trên tàu cũng đem lại nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động tàu thuyền du lịch trên sông Hàn cũng chỉ bó gọn từ khu vực cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước, thời gian hoạt động đến 22 giờ là kết thúc.
Ông Nguyễn Quốc Duy, người quản lý tàu Rồng sông Hàn, thành phố Đà Nẵng cho biết, điều này gây bất tiện đối với những du khách thích trải nghiệm Đà Nẵng về đêm.
"Lượng khách mỗi ngày một tăng. Nhưng muốn bền vững thì phải có nhiều sản phẩm hỗ trợ trong lúc khách du ngoạn và đảm bảo dịch vụ, chất lượng. Ví dụ như tour, tuyến đúng giờ giấc, bán đúng giá vé. Thời gian vừa qua cũng đã xảy ra tình trạng phá giá, nhiều tàu quá thì xảy ra tình trạng cạnh tranh. Mà cạnh tranh như vậy thì sợ rằng chất lượng sẽ giảm", ông Duy nói.
Ngoài dịch vụ trải nghiệm trên du thuyền về ban đêm, Đà Nẵng còn có một loạt các sản phẩm như Khu phố du lịch An Thượng, phố ẩm thực đêm, phố chuyên doanh dịch vụ bar, pub,… phục vụ du khách. Thế nhưng, những điểm dịch vụ này quy mô nhỏ, lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách khi thời gian đóng cửa khá sớm.
Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tổng lượng khách tới tham quan thành phố năm nay ước đạt hơn 8,6 triệu lượt, tăng hơn 85% so với năm 2015. Lượng du khách đến Đà Nẵng ngày càng tăng, nhưng dịch vụ về đêm quá đơn điệu, khó níu chân du khách ở lại dài ngày.
Tiến sĩ Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết: "Các địa phương lân cận thì mật độ dân ở các khu du lịch chính không đông đúc như ở Đà Nẵng. Ví dụ như khu phố cổ Hội An gần như dành cho du khách trong khu vực này. Ở Huế thì mật độ cũng không đông bằng. Còn ở Đà Nẵng chúng ta cần phải tính toán, cân nhắc trong an ninh, xã hội nhiều hơn. Đặc biệt, Đà Nẵng còn tương đối dè dặt trong việc xác định các hệ thống dịch vụ thỏa mãn đúng với nhu cầu của khách".
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để giữ chân du khách và kích thích chi tiêu, Đà Nẵng cần có những sản phẩm du lịch, giải trí mới, lạ, nhất là dịch vụ đêm. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì hạn chế lớn nhất của Đà Nẵng chính là chưa khai thác dịch vụ về đêm. Kinh tế đêm ở Đà Nẵng chưa phát triển đúng tầm.
Những năm qua thành phố Đà Nẵng đã triển khai, kêu gọi áp dụng những hình mẫu về phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, khung giờ cho các dịch vụ vui chơi, giải trí không được diễn ra sau 24h cũng làm hạn chế hoạt động về đêm, khó thu hút các nhà đầu tư.
Ông Cao Trí Dũng đề nghị Đà Nẵng cần xác định được sản phẩm du lịch về đêm gắn với nguồn khách đặc thù để có cơ chế phù hợp: "Để khắc phục điều này và để nhanh chóng triển khai được các loại hình kinh tế đêm, trước hết chúng ta phải quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế đêm theo đặc thù của Đà Nẵng. Chúng ta nên đi theo mô hình nào? Phát triển cái gì? Phát triển ở đâu? Đề xuất thành phố Đà Nẵng nên nghiên cứu nới các khung giờ cho các hoạt động vui chơi giải trí ở một số khu vực nhất định khu chúng ta hình thành được các phố đêm, phố đi bộ".
UBND thành phố Đà Nẵng vừa đưa ra định hướng ưu tiên phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí đêm mang chủ đề “bãi biển không ngủ”, đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí tại quận Ngũ Hành Sơn như: Phố đêm 24/7, với dịch vụ bar kết hợp ẩm thực, DJ, âm nhạc đường phố,…; kêu gọi đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao hoạt động trên vịnh Đà Nẵng; biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại công viên Phạm Văn Đồng; kéo dài thời gian hoạt động của các quán bar, nhà hàng dọc tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo…
PGS-TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, muốn phát triển kinh tế đêm Đà Nẵng cần bắt đầu từ mở cửa khung pháp lý, xây dựng quy hoạch các khu vui chơi giải trí đêm tách biệt với khu dân cư, có chính sách thu hút ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
"Vui chơi giải trí phải nghĩ nó rộng hơn là bao gồm cả mở casino đánh bài… chúng ta phải ghi thành chính sách cho phép. Thứ 2 mà mua sắm. Những trung tâm tổ hợp mua sắm, kèm theo vui chơi, giải trí kể cả cho trẻ con; hay điện ảnh, không gian ảo, chúng ta đều đưa ghép vào đây. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta quản được câu chuyện đấy thì chúng ta chả có vấn đề gì phải lo ngại cả", PGS-TS Phạm Trung Lương nói./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/da-nang-du-lich-ve-dem-bao-gio-phat-trien-987023.vov