Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng theo diễn biến dịch Covid-19
Chiều 10-6, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp thường kỳ thảo luận, lấy ý kiến các sở ngành nhằm thông qua một số nội dung quan trọng để trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm sắp tới. Cuộc họp cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng KT-XH theo diễn biến của dịch Covid-19 cả trong nước và thế giới.
Chiều 10-6, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp thường kỳ thảo luận, lấy ý kiến các sở ngành nhằm thông qua một số nội dung quan trọng để trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm sắp tới. Cuộc họp cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng KT-XH theo diễn biến của dịch Covid-19 cả trong nước và thế giới.
Nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới
Theo báo cáo tại cuộc họp, sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã có tín hiệu an toàn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra nhiều tác động rất lớn đến KT-XH của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Ông Trần Phước Sơn – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng trưởng âm 3,61% so với cùng kỳ 2019.
Đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần lấy lại nhịp độ bình thường, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đối với các ngành hàng do thị trường tiêu thụ chưa hồi phục, nhất là thị trường xuất khẩu đối với các ngành hàng không thiết yếu như: dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ô-tô, sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử… Dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố 6 tháng đầu năm giảm khoảng 5,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến giảm 5%. Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều đang chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, may mặc… Các khó khăn chủ yếu doanh nghiệp phải đối mặt liên quan đến thiếu hụt vốn cho sản xuất kinh doanh, dừng kinh doanh do giãn cách xã hội, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn, kinh doanh ngành nghề liên quan đến xuất - nhập khẩu hàng hóa càng bị ảnh hưởng nhiều so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoạt động trong nước.
Ngay sau khi dỡ bỏ cách ly xã hội, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo có các giải pháp khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020. Đến hiện tại, thành phố đã thu hút được 13.292,8 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 80,239 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến ngày 31-5, đã có 337 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 115.713 tỷ đồng và 855 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,476 tỷ USD. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn cũng cho hay, đến ngày 31-5, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.713 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 9.886 tỷ đồng. Đến giữa năm 2020, tiến độ giải ngân đã có chuyển biến rõ rệt, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-6 ước đạt 4.468 tỷ đồng/12.410 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch. Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 11.259,3 tỷ đồng, đạt 36,4% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó thu nội địa ước đạt 9.776,9 tỷ đồng, đạt 36,4% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.476,7 tỷ đồng, đạt 30% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng là 11.001,4 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán.
Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, UBND thành phố đã thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tính đến ngày 25-5, thành phố đã chi hỗ trợ cho 92.846 đối tượng, kinh phí 99,1 tỷ đồng, còn lại 3.512 đối tượng đang tiếp tục chi trả. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với 2.211 khách hàng số dư nợ 4.507 tỷ đồng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ 2.746 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm là 8,18 tỷ đồng với 294 khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với lãi suất 0% từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
Các sở ngành cũng đã tham mưu UBND thành phố giải pháp kích cầu du lịch, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đầu tư công. Cạnh đó là tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án.
Kịch bản thuận lợi sẽ tăng trưởng khoảng 1,3%
Trên cơ sở dự báo tình hình trong nước và thế giới, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề ra 3 kịch bản tương ứng với diễn biến của dịch bệnh. Kịch bản thứ nhất là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng khống chế được dịch trong quý III-2020. Với tình huống này, trong quý III-2020, kinh tế thành phố Đà Nẵng trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang quý IV, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản sẽ trở lại như dự kiến ban đầu. Theo kịch bản này, dự kiến tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 1,3% so với năm 2019. Với kịch bản thứ hai, trong nước đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh, một vài quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được dịch trong quý III-2020, một số chỉ khống chế được dịch trong quý IV-2020. Kinh tế Đà Nẵng sẽ chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang đến quý IV, kinh tế mới bắt đầu phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Trong điều kiện này, dự kiến GRDP tăng trưởng âm khoảng 0,88% so với năm 2019. Kịch bản thứ ba được đưa ra là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh nhưng hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng chưa thể khống chế được dịch trong quý III và kéo dài sang cuối năm 2020. Với trường hợp này, kinh tế thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. Dự kiến GRDP tăng trưởng âm khoảng 2,83% so với năm 2019.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, các kịch bản chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh chính là thời điểm các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước ASEAN, EU khống chế được dịch bệnh. Cùng với đó, tất cả các kịch bản cũng đã tính đến nỗ lực của chính quyền, người dân thành phố Đà Nẵng trong việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo đời sống nhân dân trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các nước trên thế giới đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng để hạn chế sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19. Khả năng kịch bản 1 là quá lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra, khi hàng ngày vẫn có hơn 100 ngàn người mắc bệnh và trên 5 ngàn người tử vong. Do vậy, kịch bản 2 có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020. “Thành quả ấn tượng trong phòng chống dịch bệnh sẽ tạo động lực, tạo hiệu ứng trong cộng đồng để Đà Nẵng bắt tay thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm. Có nhiều nhiệm vụ thành phố đã thực hiện và có những kết quả nhanh chóng, các công trình, dự án trọng điểm giải ngân hiệu quả. Nhưng đâu đó ở các sở ngành, sự đôn đốc, phối hợp để giải quyết công việc vẫn còn mang nặng yếu tố hành chính. Điều này dẫn đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vẫn còn chậm. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì phải tính toán kỹ, “liệu cơm gắp mắm” nhưng nhất định phải hoạt động nhịp nhàng để cùng tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng KT-XH theo kịch bản đã đề ra”, ông Thơ nhấn mạnh.
CÔNG KHANH
ĐÀ NẴNG CHO PHÉP CƠ SỞ KINH DOANH KARAOKE, VŨ TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI
Ngày 10-6, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký Công văn số 3772/UBND-VHXH về việc cho phép cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường hoạt động trở lại. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 9-6 về phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại từ 17 giờ ngày 10-6. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trên theo đúng quy định hiện hành.