Đà Nẵng dừng họp hành không cần thiết, Hà Tĩnh ra công điện khẩn ứng phó bão Noru
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão số 4 (bão Noru). Trong khi đó, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngành chức năng cùng các địa phương lên phương án ứng phó với bão và mưa lớn có thể gây ngập lụt, sạt lở đất.
Ngày 25/9, UBND TP Đà Nẵng có công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện biện pháp phòng chống bão Noru.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tập trung triển khai các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn năm 2022.
“Các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão”, công điện nêu rõ.
UBND các quận, huyện cũng được yêu cầu, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố.
Chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng phối hợp các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Khuyến cáo người dân thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với 2 quận ven biển là Sơn Trà và Liên Chiểu, chính quyền nhanh chóng triển khai và chủ động với các phương án hỗ trợ ngư dân đưa tàu công suất nhỏ lên bờ tránh bão.
Cùng với đó, UBND thành phố đề nghị BCH Bộ đội Biên phòng TP tiếp tục thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn; chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch; khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Công điện của cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện tổ chức đánh giá các khu vực nguy hiểm, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập sâu và kiên quyết di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Các lực lượng bố trí kiểm soát, không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở; sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Trong khi đó, tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn yêu cầu ngành chức năng cùng các địa phương lên phương án ứng phó với bão và mưa lớn có thể gây ngập lụt, sạt lở đất.
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão, mưa lớn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, UBND các huyện, thị xã ven biển quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người.
Các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và các đơn vị liên quan chủ động vận hành các công trình tiêu thoát; kiểm tra và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang.
Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh đã vào các nơi neo đậu để tránh trú bão an toàn. Cụ thể, tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) có 185 tàu thuyền nội tỉnh và 38 tàu thuyền ngoại tỉnh; tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội (huyện Nghi Xuân) có 57 tàu thuyền; khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có 103 tàu thuyền.
Để tránh bị ảnh hưởng do mưa bão, trong hai ngày 24-25/9, hơn 55 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn ở xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã gia cố, giằng néo, kéo lồng bè vào sát bờ.
“Khi nghe tin có mưa nhiều kèm bão, chúng tôi phải dùng cách này để tránh nước vào thuyền nhiều dẫn đến chìm phương tiện”, ông Hiếu (50 tuổi, thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn) cho hay.
Lãnh đạo UBND xã Thạch Sơn cho hay xã này tổng số 8 tấn cá nuôi cá lồng của bà con đã đến kỳ thu hoạch. Chính quyền đã trực tiếp xuống hướng dẫn bà con bảo vệ tài sản, lồng bè.