Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng vẫn đang rất chậm so với mặt bằng chung của cả nước. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm là nhiệm vụ cấp bách của Đà Nẵng lúc này.

Giải phóng mặt bằng vẫn là “nút thắt” trong giải ngân

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Đà Nẵng là trên 7.333,2 tỷ đồng (bao gồm trên 5.963,3 tỷ đồng vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và gần 1.370 tỷ đồng do HĐND thành phố giao thêm).

Đà Nẵng đang có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Ảnh minh họa: H.T

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, đến hết tháng 6/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn thành phố đạt 1.885 tỷ đồng, bằng 31,6% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và 23,9% kế hoạch do HĐND thành phố giao.

Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng sẽ tiếp tục linh hoạt trong quy trình kiểm soát chi và thanh toán vốn theo phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho việc giải ngân các dự án.

Theo báo cáo từ UBND TP. Đà Nẵng, tiến độ giải ngân chậm có nguyên nhân do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, một số dự án khởi công mới đang được địa phương tiến hành triển khai. Việc khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là giá thép, đất, cát xây dựng tăng mạnh... cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương chậm.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất mà thành phố Đà Nẵng đang gặp phải chính là công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án chuyển tiếp. Đơn cử như: Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (giai đoạn 1); dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía đông quận Sơn Trà; cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; khu tái định cư phục vụ giải tỏa cụm công nghiệp Hòa Nhơn; cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; doanh trại Hải đội dân quân thường trực...

Ngoài ra, còn có các dự án, công trình mới chưa khởi công, chưa được tạm ứng và chưa có khối lượng để giải ngân như: Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu chưa giải ngân 500 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mới giải ngân 2,6 tỷ đồng/140 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng giải mới ngân 2,3 tỷ đồng/100 tỷ đồng; chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên chưa giải ngân 40 tỷ đồng...

Tập trung gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án để có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư còn chậm, đặc biệt là còn nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải đôn đốc, giám sát tiến độ thi công các dự án và ấn định cụ thể mốc thời gian để hoàn thành.

Ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa và vốn ngân sách trung ương, nhất là dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, dự án cải thiện hạ tầng giao thông TP. Đà Nẵng. Tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 đối với các công trình chậm hoặc khó có khả năng giải ngân để bổ sung cho các công trình, dự án có nhu cầu.

Công chức KBNN đang thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư. Ảnh minh họa: H.T

Về phía Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, ông Phan Quảng Thống - Giám đốc Kho bạc cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền.

Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, đơn vị sẽ tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với các cấp lãnh đạo để xem xét như điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục linh hoạt trong quy trình kiểm soát chi và thanh toán vốn theo phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho việc giải ngân các dự án./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/da-nang-giai-ngan-von-dau-tu-cong-van-rat-cham-108782.html