Đà Nẵng: GRDP quý I/2022 tăng 0,89%
Kết thúc quý I/2022, kinh tế TP. Đà Nẵng có chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 0,89% so với cùng kỳ 2021. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng cho kinh tế thành phố sau 2 năm dịch bệnh.
Kinh tế hồi phục tích cực
Nền kinh tế TP. Đà Nẵng ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong quý I/2022. Theo Cục thống kê TP. Đà Nẵng, GRDP quý I/2022 ước tăng 0,89% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 1,96%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm; thương mại - dịch vụ tăng 0,18% đóng góp 0,54 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6% đóng góp 0,04 điểm và thuế sản phẩm giảm 0,71% làm giảm 0,08 điểm.
Quy mô nền kinh tế quý I ước đạt 26.769 tỷ đồng, mở rộng hơn 830 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ là hơn 481 tỷ đồng; công nghiệp xây dựng tăng 303 tỷ đồng.
Khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trong 67,13% trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp xây dựng chiếm 20,12%, nông lâm thủy sản chiếm 1,75% và thuế sản phẩm chiếm 11%.
Trong lĩnh vực công nghiệp, VA quý I/2022 ước tăng 1,18%, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 1,98% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang có xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực, một số ngành tăng trưởng cao như sửa chữa máy móc thiết bị tăng 28,2%, sản xuất sản phẩm điện tử và máy tính tăng 12,9%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 13,4%... Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 0,3%; chỉ số tồn kho giảm 3,9%; chỉ số sử dụng lao động tăng 0,7%.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong quý I/2022 ước đạt 15.767 tỷ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ 2021. VA lĩnh vực thương mại hàng hóa tăng 3,26%, đóng góp tới 0,39 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP.
Dịch vụ du lịch đã dần từng bước có khởi sắc. Dù tổng lượng khách đến du lịch và lưu trú còn thấp, tuy nhiên, với việc mở lại hàng loạt hoạt động, đặc biệt là khôi phục các đường bay nội địa cũng như quốc tế là điều kiện thuận lợi để lĩnh vực này trong quý II/2022 sẽ có sự bứt tốc.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Đà Nẵng quý I/2022 ước đạt 823,4 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 495,8 triệu USD, tăng 29,8%; nhập khẩu 327,6 triệu USD, tăng 4,3%. Cán cân thương mại dự kiến sẽ đạt thăng dư 168,2 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm, TP. Đà Nẵng đã thu hút được 6 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.644 tỷ đồng; 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5,5 triệu USD.
Nhiều công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, một số công trình đã khánh thành và đưa vào hoạt động như công viên APEC mở rộng, nút giao thông khác mức cầu Trần Thị Lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế.
Doanh nghiệp đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của một số doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quý I/2022 cho thấy, có 49,3% doanh nghiệp đánh giá tình tình sản xuất kinh doanh quý I/2022 ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021, và có tới 50,7% doanh nghiệp còn lại đánh giá tình hình kinh doanh khó khăn hơn.
Những khó khăn này đến từ việc dịch Covid-19 tăng đột biến số ca nhiễm gây gián đoạn sản xuất trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, hậu quả từ dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị thiết hụt, đứt gãy chưa phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, đáng chú ý nhất là chi phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh, vận chuyển nội địa cũng khó khăn do giá xăng dầu thế giới tăng cao gây sức ép cho doanh nghiệp.
“Trong tháng 1/2022 chúng tôi tăng trưởng tốt, sang tháng 2 tăng trưởng ít lại, và tháng 3 thì sản xuất chững lại do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá nguyên liệu bột giấy đầu vào tăng mạnh, chi phí vận chuyển cũng tăng rất mạnh”, ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Nhà máy giấy bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho hay.
Dù trải qua quý I nhiều khó khăn, tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất (88,4%) lạc quan tình hình sản xuất kinh doanh quý II sẽ tốt và ổn định hơn quý I/2022. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để nâng công suất sản xuất, đón đầu thị trường sau khi dịch bão hòa đồng thời góp phần làm giảm áp lực tăng giá đầu ra sản phẩm khi giá nguyên liệu đầu vào đang cao.
Bà Mai Thị Ý Nhi - đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Foods (Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã đầu tư thêm 3 thiết bị máy móc hiện đại tổng giá trị hơn 1,23 tỷ đồng để nâng công suất sản xuất bánh dừa lên 30%. “Với việc đầu tư máy móc, chúng tôi hiện đang tích cực xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu và đón đầu sự phát triển trở lại của du lịch Đà Nẵng. Cùng với đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự tự động hóa trong sản xuất sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm áp lực cho doanh nghiệp trong việc buộc phải tăng giá đầu ra của sản phẩm”, bà Nhi chia sẻ.
Cũng có ý định mở rộng sản xuất, tuy nhiên, ông Hà Ngọc Thống cho biết, hiện đơn vị đang “nghe ngóng” diễn biến của thị trường. “Nếu cuộc chiến Nga - Ukraine được đàm phán kết thúc tốt đẹp, giá xăng dầu có xu hướng ổn định trở lại, nguyên vật liệu đầu vào ổn định thì doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất. Ngược lại chúng tôi buộc phải chờ”, ông Thống cho hay.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị thương mại - dịch vụ cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch để tạo đà tích cực phục hồi kinh tế.
“Chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để tìm được những đơn vị cung cấp sản phẩm mới để đưa vào cửa hàng OCOP dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2022. Chúng tôi cũng kỳ vọng điều này góp phần giúp thương mại - du lịch sẽ phục hồi tích cực trong quý II/2022”, bà Đinh Nguyễn Hoàng Thư - Giám đốc HTX công nghệ cao mặt trời Việt thông tin.
Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã và đang có kế hoạch dần mở cửa trở lại, tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch từ quý II/2022.
Vũ Lê
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-grdp-quy-i2022-tang-089-174135.html