Đà Nẵng: Hàng chục con lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi
Đến nay, có 38 con lợn được tiêu hủy. UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phong.
Nhiều gia đình có lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi
Cuối tháng Bảy, nhận được thông tin lợn có nhiều biểu hiện nghi mắc bệnh tại hộ ông H.V.H, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.
Hộ ông này có 36 con lợn thịt, trọng lượng khoảng 20 đến 55kg mỗi con. Trong đó, có 10 con có dấu hiệu bỏ ăn và mắt xuất huyết.
Sau đó, ông H. trình báo, đàn lợn có thêm 2 con chết. Chi cục Nông nghiệp thực hiện lấy hai mẫu của lợn chết gửi kiểm nghiệm. Cùng ngày, kết quả kiểm nghiệm phát hiện ca 2 cọn lợn chết đều dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Gia đình bà T.T.D, ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang nuôi hai con lợn. Ngày 5/8, bà D. phát hiện một con chết nên trình báo cơ quan chức năng. Sau khi lấy mẫu, theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú Y Vùng IV, vật nuôi này chết do Dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, hộ bà D.T.X, cũng ngụ tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, có 1 con lợn thịt trọng lượng 15 đến 25 kg đã chết.
Riêng ngày 8/8, gia đình ông N.V.N, ngụ xã Hòa Phong có 2 con lợn chết và cả hai đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Theo ghi nhận, 32 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết của hộ ông H.V.H đã được tiêu hủy. Đồng thời, 6 con lợn tại nhà các hộ dân ở xã Hòa Phong cũng đã được tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Chuồng của các hộ dân này và khu vực xung quanh cũng được vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc khử trùng.
Riêng các gia đình có lợn chết cũng thường xuyên tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Họ thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn lợn còn lại. Trường hợp có lợn chết sẽ trình báo cho UBND xã để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Công bố có dịch bệnh châu Phi
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, cho hay, đến nay, trên địa bàn huyện đã tiêu hủy tổng cộng 38 con lợn, tổng trọng lượng 1,2 tạ.
Bên cạnh việc tiêu hủy, cơ quan chức năng còn tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi và xung quanh 1 lần mỗi ngày liên tục trong tuần đầu tiên và 3 lần trong tuần tiếp theo.
Trong khi đó, ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chia sẻ, đã có yêu cầu hỗ trợ 2.000 lít hóa chất sát trùng chuồng trại chăn nuôi cho UBND 11 xã bảo quản và chủ động sử dụng trong công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh.
UBND huyện yêu cầu xã Hòa Ninh và xã Hòa Phong tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe đàn lợn của các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn các xã.
Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại và khu vực xung quanh, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi, kịp thời báo cáo với UBND xã các trường hợp lợn ốm, bệnh và chết không rõ nguyên nhân để tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời.
Ông Duy Anh cũng cho hay, vừa có quyết định công bố dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phong.
Đồng thời, vùng bị dịch uy hiếp là xã Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Liên…
Đối với các vùng có ổ dịch, nhành chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch, ngăn chặn dịch lây lan. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có gia súc mắc bệnh hoặc chết. Hạn chế người ra vào vùng có dịch; thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho động vật.
Tạm dừng các hoạt động giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch đối với lợn và các sản phẩm từ lợn, trừ trường hợp được phép vận chuyển theo quy định.
Vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất… liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao phát sinh thành dịch, thành lập chốt kiểm dịch nếu có; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn…
Công an huyện Hòa Vang được yêu cầu tổ chức kiểm soát phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm để thực hiện việc kiểm soát, vận chuyển. Cử cán bộ tham gia đội kiểm tra liên ngành và chốt kiểm dịch khi có yêu cầu.