Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sang thị trường RCEP

Sáng 17/12, tại TP. Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại với các thị trường RCEP.

Chương trình nhằm hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao năng lực thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với các thị trường thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thông qua các hoạt động như quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại sự kiện ở các thị trường thành viên RCEP.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường theo hình thức truyền thống mà còn cần kỹ năng để ứng dụng công nghệ số để xúc tiến thương mại điện tử, từ đó, tận dụng tốt nhất các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có các nước thành viên RCEP.

Tại chương trình, các doanh nghiệp được chuyên gia marketing, truyền thông đến từ Đại học Ngoại thương hỗ trợ các kỹ năng quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với các thị trường RCEP; Ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường RCEP; các giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia và tại New Zealand sẽ chia sẻ thông tin thị trường và kinh nghiệm xúc tiến thương mại với các thị trường RCEP.

Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sản phẩm sang thị trường RCEP

Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sản phẩm sang thị trường RCEP

Theo ThS. Nguyễn Huyền Minh – Đại học Ngoại thương, Việt Nam có độ mở nền kinh tế cao, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế trong xúc tiến thương mại và kết nối giao thương với các đối tác RCEP; có nhiều hơn cơ hội tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường qua các nền tảng và công cụ “xúc tiến thương mại 4.0”; năng lực của các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại được nâng cao sau 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp nghiên cứu thị trường các nước RCEP đó là khoảng cách địa lý; bất đồng ngôn ngữ, văn hóa; vấn đề nhân lực….

ThS. Nguyễn Huyền Minh lưu ý doanh nghiệp, bên cạnh xúc tiến thương mại theo nguyên tắc 4P truyền thống (Product - Sản xuất, Price – Giá cả, Place – Phân phối, và Promotion – Xúc tiến), thì cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với nguyên tắc 6P gồm (People - Nhân lực, Partnership - Đối tác, Philosophy - Triết lý kinh doanh, Priority – Ưu thế, sự nổi trội sản phẩm, Process – Quá trình, và Purpose – Mục đích). Và điều cốt lõi là phải có sản phẩm tốt, đội ngũ nhân lực tận tâm và có những trải nghiệm khách hàng độc đáo.

RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. RCEP hiện chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, là khối thương mại lớn nhất thế giới.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-ho-tro-doanh-nghiep-ky-nang-xuc-tien-thuong-mai-sang-thi-truong-rcep-364657.html