Đà Nẵng: Hội thảo 'Góp ý Dự thảo Đề cương và chính sách cơ bản Luật Cấp, Thoát nước'
Chiều 21/4, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo 'Góp ý Dự thảo Đề cương và chính sách cơ bản Luật Cấp, Thoát nước' do Cục Hạ tầng - Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội), Sở Xây dựng Đà Nẵng, đại diện Đại học Xây dựng Hà Nội và các doanh nghiệp cấp thoát nước 10 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên gồm Đà Nẵng, thành phố Huế, Kon Tum…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng – Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 71 của Chính phủ, giao cho Bộ Xây dựng soạn thảo Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước và xử lý nước thải trên cơ sở rà soát lại Nghị định 117 và Nghị định 80.
Trong 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa tăng lên rất cao, dân số tính đến năm 2021 so với năm 1991 tăng gần 2,6 lần. Hiện cả nước có khoảng 750 nhà máy cấp nước với sản lượng khoảng 11 triệu m3/ngày đêm.
Tính đến năm 2022, toàn quốc có 82 nhà máy xử lý nước thải, trong đó có 22 nhà máy vốn vốn WB, 15 nhà máy có vốn JICA, còn lại là các nhà máy thuộc thuộc thành phần kinh kế khác tham gia.
Cơ bản việc cấp nước thì chúng ta đã đạt được, tuy nhiên thoát nước hiện chỉ có 82 nhà máy trong khi nước thải là rất lớn, cả nước xả một ngày khoảng 1,46 triệu m3.
Hiện nay, hệ thống pháp luật nói chung của Việt Nam còn chồng chéo, chưa rõ ràng và chưa có quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến cấp, thoát, xử lý nước thải.
Trước yêu cầu thực tế đó, cử tri và Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến việc sớm xây dựng, ban hành Luật về cấp, thoát nước. Do đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện việc rà soát, tổng hợp và xây dựng Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước.
Ông Hồ Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng, đại điện đơn vị tổ chức Hội thảo cho biết: Việc soạn thảo Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước rất quan trọng, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án liên quan đến cấp, thoát nước cũng như quản lý, sử dụng nước, nhằm đảm bảo quản lý bền vững, an toàn.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng Phòng Quản lý cấp nước Cục Hạ tầng – Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã trình bày 5 nhóm vấn đề định hướng chính sách cơ bản trong Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước và được đa số các thành viên tham dự nhất trí cao. Cụ thể 05 nhóm vấn đề gồm: Phát triển hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; Quản lý vận hành công trình cấp thoát nước; Quản lý dịch vụ cấp thoát nước; Tài chính trong hoạt động cấp, thoát nước; Quản lý Nhà nước về cấp, thoát nước.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong việc quy hoạch, thành lập, đầu tư, xây dựng các dự án cấp thoát nước trên cả nước hiện nay, từ đó đặt ra tính cấp thiết cần phải nghiên cứu, xây dựng Luật Cấp, Thoát nước cũng như đề phương hướng giải quyết.
Về những khó khăn, vướng mắc
Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, đầu tư, xây dựng các dự án cấp, thoát nước hiện nay như: Về cơ sở dữ liệu và thông tin về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải còn thiếu, không đồng bộ ảnh hưởng đến quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, đến công tác đầu tư và khai thác, vận hành công trình cấp thoát nước;
Về quy hoạch cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chưa quy định cụ thể trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… gây khó khăn khi lập các dự án đầu tư công trình. Công tác phân vùng cấp nước và định hướng các nhà máy nước quy mô vùng chưa đáp ứng được yêu cầu; phát triển cấp nước đô thị chưa hỗ trợ phát triển cấp nước nông thôn về tạo nguồn nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch;
Việc lập định hướng, chương trình và quy hoạch cấp nước khu vực đô thị hiện nay tách riêng với khu vực nông thôn; tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ cấp nước giữa khu vực đô thị khác khu vưc nông thôn; việc quản lý, đầu tư phát triển cấp nước giữa đô thị và nông thôn còn nhiều hạn chế, đầu tư còn chồng chéo, chưa hiệu quả, công trình không bền vững. Với quá trình đô thị hóa nhanh, ranh giới đô thị và nông thôn luôn biến động đang tác động đến hiệu quả đầu tư và khả năng kế thừa, cải tạo công trình cấp nước nông thôn hiện hữu;
Đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và tốc độ đô thị hóa. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu các cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP... nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về tầm quan trọng về đầu tư xây dựng công trình thoát nước còn hạn chế.
Về vấn đề xã hội hóa, huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước, khi thể chế pháp luật về cấp nước chưa đầy đủ, chặt chẽ, doanh nghiệp vận dụng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ hạn chế vai trò quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sạch cho người dân.
Mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình thoát nước và xử lý nước thải không thống nhất tại các địa phương; năng lực quản lý vận hành chưa đáp ứng yêu cầu.
Vấn đề quản lý Nhà nước về cấp nước, việc quản lý, đầu tư phát triển cấp nước nông thôn còn nhiều hạn chế, đầu tư còn chồng chéo, chưa hiệu quả, nhiều công trình cấp nước nông thôn thiếu bền vững; cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, ranh giới đô thị và nông thôn luôn biến động đang tác động đến hiệu quả đầu tư và khả năng kế thừa, cải tạo công trình cấp nước nông thôn hiện hữu.
Quản lý Nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải chưa được quan tâm đúng mức, năng lực quản lý còn yếu, thiếu quy định quản lý hoạt động thoát nước trong các luật hiện hành...
Nhiều ý kiến đóng góp
Tại Hội thảo, các thành viên tham dự cơ bản nhất trí với Dự thảo Đề cương và chính sách cơ bản Luật Cấp, Thoát nước, đồng thời nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, mang tính chất xây dựng rất cao.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại diện các công ty quản lý cấp, thoát nước đến từ 10 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bày tỏ sự quan tâm việc Bộ Xây dựng sớm hoàn thành Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước và sớm trình Quốc hội ban hành để ngành cấp, thoát nước có cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ, vai trò của mình. Đồng thời đại diện các công ty đưa nhiều ý kiến đóng góp như vấn đề về quy hoạch cần phải đồng bộ với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Các vấn đề liên quan đến hệ thống đấu nối, sử dụng hệ thống phòng đường ống PCCC, chi phí tiền nước liên quan khi sử dụng từ hệ thống trụ PCCC…
Vấn đề giá nước sạch, xử lý nước thải còn thấp, thời gian tăng giá còn quá dài khiến cho các doanh nghiệp tư nhân không mặn mà với ngành này cũng là 1 trong những vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, chia sẻ.
Vấn đề hạ tầng phục vụ ngành cấp, thoát nước như đất sử dụng vào việc xây dựng trụ sở doanh nghiệp trong ngành cấp thoát nước, đất đặt hệ thống mạng lưới đường ống nước sạch cần được quy định cụ thể, rõ ràng trong Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước…
Góp ý cho Dự thảo Đề cương, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục phó Cục Hạ Tầng - Kỹ thuật cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Đề cương mà lãnh đạo Cục Hạ tầng – Kỹ thuật đã trình bày. Tuy nhiên ông cho rằng trong Dự thảo Luật cần phải nhấn mạnh khái niệm đầu tư xây dựng, từ đó giúp việc quản lý, vận hành, khai thác sử dụng sẽ cụ thể, rõ ràng và giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào ngành, lĩnh vực.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng cục Hạ tầng – Kỹ thuật đã cảm ơn những đóng góp thẳng thắn, quý báu của các đại biểu tham dự, hứa sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp và cập nhật vào Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước khi tiến hành xây dựng.