Đà Nẵng: Họp bàn giải pháp vượt khó cho doanh nghiệp

UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19. Nhiều kiến nghị đã được gửi tới UBND thành phố cũng như Chính phủ và các Bộ, ngành.

Hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lưu trú tại Đà Nẵng đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do Covid - 19

Hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lưu trú tại Đà Nẵng đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do Covid - 19

Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức sáng 4/3 để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid – 19) gây ra, tất cả các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều cho biết tình trạng hoạt động của doanh nghiệp hiện tại rất khó khăn.

Ông Lê Hữu Ánh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hòa Vang cho biết 70% nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn huyện là từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp này đang điêu đứng vì nguồn nguyên liệu cạn kiệt, trong khi phía đối tác Trung Quốc chưa có động thái cung ứng trở lại.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng, hiện 60% doanh nghiệp tại Đà Nẵng là doanh nghiệp thương mại, dịch vụ. Sức đề kháng yếu, khả năng tận dụng các FTA là rất ít. Nhóm đối tượng này đang rất cần có sự giúp sức của các chính sách để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 trên thế giới còn căng thẳng.

Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lưu trú là đối tượng chịu tác động đầu tiên và rõ nét nhất của Covid – 19. Ông Phan Tấn Bửu – Hiệp hội doanh nghiệp Sơn Trà cho hay, các doanh nghiệp trên địa bàn quận chủ yếu kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Các doanh nghiệp này hiện đang vật lộn để tồn tại.

Mặc dù khẳng định Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn, đủ sức phục hồi khi tình hình bệnh trên thế giới khả quan hơn, nhưng Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cũng phải chua xót thốt lên: “Ngay khi tôi đang ngồi đây thôi mà cũng có rất nhiều tin nhắn đóng cửa, ngừng hoạt động của doanh nghiệp”.

Ngoài ra, doanh thu các lĩnh vực liên quan đến du lịch như logisitcs, vận tải cũng giảm đến 50 – 60% so với cùng kỳ.

Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết dự kiến trong tuần tới sẽ có Thông tư hướng dẫn triển khai các giải pháp về tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết dự kiến trong tuần tới sẽ có Thông tư hướng dẫn triển khai các giải pháp về tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng loạt kiến nghị giảm lãi, giãn nợ, gia hạn nợ, chậm nộp thuế

Kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đồng loạt đưa ra đề xuất liên quan đến chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội.

Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang nghe ngóng tình hình. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị Chính phủ và TP. Đà Nẵng, các bộ ngành xem xét thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nợ, có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. “Việc giảm lãi phải thực hiện rõ ràng là bao nhiêu %, thực hiện phải đồng bộ”, ông Bình nói và cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp, thực thi các FTA vào trong hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải “tự mình cứu mình trước” thông qua tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tương đồng với quan điểm này, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng – ông Hà Đức Hùng cho rằng bản thân các doanh nghiệp đều xác định không ai thương mình bằng chính mình. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp thay đổi, thích ứng, cắt giảm chi phí, chủ động tìm thị trường mới, điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp…. Tuy nhiên, ngoài sự tự thân của doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ của chính quyền thông qua các chính sách. Ông Hùng kiến nghị Đà Nẵng cần tăng cường xúc tiến đầu tư; không hoặc giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường niên; tổ chức định kỳ đối thoại để mỗi thời kỳ có giải pháp khác nhau phù hợp với tình hình chung.

Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp du lịch TP. Đà Nẵng thì hiện doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang vật lộn để làm sao vượt qua thời kỳ "khủng hoảng" do dịch bệnh. “Từ khi Hàn Quốc công bố dịch thì mục tiêu doanh nghiệp du lịch thành phố là làm sao tồn tại. Hàng ngày đều có doanh nghiệp giảm lao động, đóng cửa”, ông Dũng nói và cho biết song song với đó, ngành du lịch cũng chuẩn bị tinh thần khi nào giảm dịch là có thể phục hồi nhanh. Ông Dũng kiến nghị Chính phủ sẽ có những hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp, có gói hỗ trợ và kích cầu doanh nghiệp xúc tiến thị trường mới; giảm hoặc miễn tiền thuê đất đối với những doanh nghiệp có hệ số sử dụng đất lớn cho dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, thành phố phải có những sản phẩm du lịch mới, nhất là du lịch về ban đêm.

Bên cạnh đó, theo đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, có chủ trương, chính sách rồi phải làm sao để chính sách có thể vào thực tiễn nhanh để doanh nghiệp thụ hưởng sớm nhất, nếu không “doanh nghiệp sẽ chết trước khi chính sách kịp đi vào thực tiễn”. Bà Lê Thị Nam Phương – Đại diện hiệp hội nữ doanh nhân Đà Nẵng đề nghị các chính sách giảm lãi phải cụ thể, rõ ràng, và quan trọng là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất. “Nhanh bao nhiêu thì nguy cơ đóng cửa của doanh nghiệp giảm bấy nhiêu, khả năng phục hồi hoạt động tăng bấy nhiêu”.

Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết đã chuyển các kiến nghị, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng... đến UBND TP. Đà Nẵng

Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết đã chuyển các kiến nghị, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng... đến UBND TP. Đà Nẵng

Sẵn sàng triển khai khi có thông tư hướng dẫn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi đối thoại, Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng – ông Nguyễn Đình Ân cho biết, tình hình thực hiện dự toán năm 2020 là rất khó khăn và mong muốn doanh nghiệp thông cảm vì chính sách tài khóa luôn có độ trễ. Bộ Tài chính đang xem xét để đưa ra gói giải pháp phù hợp đúng người, đúng đối tượng, đúng lĩnh vực, và khi có chính sách cụ thể sẽ triển khai ngay đến doanh nghiệp.

Thông tin đến doanh nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng, ông Võ Minh cho biết dự kiến tuần tới ngân hàng Nhà nước sẽ có Thông tư hướng dẫn triển khai các biện pháp hỗ trợ lãi suất, gia hạn nợ cho doanh nghiệp. Và ngay khi có hướng dẫn, ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để có mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp. Hiện tại nhiều ngân hàng thương mại cũng đã có báo cáo bước đầu về mức hỗ trợ dự kiến sẽ triển khai cho doanh nghiệp.

Trước mắt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các khoản nợ của doanh nghiệp đến thời gian trả nợ nằm trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến 31/3/2020 được gia hạn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ.

Riêng đối với ngành Công Thương, ông Nguyễn Hà Bắc – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết Sở đã tập trung các kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất các khoản hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm… cho doanh nghiệp đến UBND TP. Đà Nẵng. Sở cũng đã có báo cáo Bộ Công Thương về tình hình doanh nghiệp và ngay lập tức, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo cục Xúc tiến thương mại, các vụ thị trường nước ngoài làm đầu mối hỗ trợ thông tin về nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Riêng đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, hiện Sở Du lịch đã có những đề xuất đến UBND thành phố làm việc với các hãng hàng không để xúc tiến các đường bay từ các vùng chưa có dịch; tiến hành các chương trình kích cầu; xây dựng các điểm đến kết nối Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam với những sản phẩm du lịch mới gồm du lịch biển đảo, du lịch sông nước….

Đà Nẵng đang phải đi bằng 2 chân vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Đà Nẵng đang phải đi bằng 2 chân vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng đang phải nỗ lực vừa phòng chống dịch Covid - 19 vừa phải phát triển kinh tế. "Đà Nẵng phải đi bằng 2 chân, 1 là phòng chống dịch, 2 là phát triển kinh tế. Chậm chân là chết", ông Minh nói và đề nghị các doanh nghiệp phải nỗ lực để tái cấu trúc, thích ứng. Đồng thời đề nghị tất cả các Sở, ngành đơn vị nhanh chóng cập nhật các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương để triển khai vào thực tiễn. Việc thực hiện này phải thực hiện đồng bộ, nhanh chóng. Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính... để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-hop-ban-giai-phap-vuot-kho-cho-doanh-nghiep-133500.html