Đà Nẵng: Không để xảy ra trường hợp găm hàng, trục lợi sau mưa lũ
Hụt nguồn cung, giá rau xanh tại các chợ truyền thống Đà Nẵng tăng mạnh. Sở Công thương Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý bình ổn giá thị trường, không để xảy ra trường hợp găm hàng, trục lợi do mưa lũ.
Rau xanh tăng giá
Ghi nhận tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu) trong ngày 18-10, giá rau củ các loại đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Bà Nguyễn Thị Bé (lô 11, ngành hàng rau hành) cho biết, tất cả các loại rau xanh đều tăng giá. Cụ thể, rau mồng tơi, cải xanh từ 15.000 đồng nay đã lên 20.000 đồng, rau xà lách từ 50.000 đồng nay đã lên 60.000 đồng. Ngoại trừ rau xanh, các mặt hàng như bầu, bí đao, bí đỏ, khoai tây, mướp đắng, súp lơ, cải bắp… tăng nhẹ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.
Giá rau tăng khiến nhiều người dân khi đi chợ mua rau cũng phải “nâng lên đặt xuống”. Chị Trần Thị Nhung (37 tuổi, trú quận Hải Châu) than thở, giá nhiều loại rau bây giờ đắt gấp đôi.
“Bình thường rau là thứ dễ mua, dễ ăn nhất nhưng nay không dám mua nhiều vì giá quá cao. Sau mưa lũ nhà tôi bị hư hỏng nhiều thứ nên giờ phải tiết kiệm chi tiêu. Hôm nay, tôi chỉ mua bó rau ngót nhỏ 25.000 đồng”, chị Nhung kể.
Còn tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu), bà Nguyễn Thị Hải (lô 1, ngành hàng rau củ quả) cho hay, để đáp ứng nhu cầu của người dân, một số loại củ, quả và nông sản từ Đà Lạt (Lâm Đồng) và Gia Lai đã được nhập về thêm. Tuy nhiên, do vận chuyển đường xa, giá cước cao nên giá thành nhích lên so với ngày thường.
“Bây giờ chủ yếu các quán nhậu, quán ăn lấy rau chứ người mua lẻ hầu như không chọn mua rau, hoặc mua số ít vào những ngày này. Bán rau hiện tại không có lời mà còn lỗ, may mắn huề lại vốn”, bà Hải chia sẻ.
Bảo đảm nguồn cung
Nguồn cung rau xanh tại các chợ truyền thống phục vụ người dân TP Đà Nẵng chủ yếu đến từ các làng rau trên địa bàn và một số tỉnh thành khác. Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, các làng rau của TP Đà Nẵng ngập chìm trong bùn đất.
Tại hợp tác xã Rau Túy Loan (huyện Hòa Vang), đang cày xới bùn đất, bà Đặng Thị Hòa (1960, thôn Túy Loan Tây) cho biết, với hơn 1000m2 đất, tôi trồng nhiều loại rau lắm mà sau mưa lũ đến vườn chỉ toàn bùn với nước, thiệt hại hơn 10 triệu đồng. “Đất đai sau mưa lũ như thế này thì không thể xuống giống được, chúng tôi phải cày xới lên, tưới vôi,… Đến tháng 12 cuối năm, tháng 1 năm sau mới có thể bắt đầu trồng trọt”, bà Hòa chia sẻ.
Tại vườn rau La Hường (quận Cẩm Lệ), vừa dựng lại giàn giáo bị hư hỏng, theo ông Lê Hồng Việt (SN 1955, tổ 33 phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), không chỉ hoa màu bị hư hại mà các thiết bị như máy bơm nước, hệ thống tưới tiêu, … cũng hư hại nặng.
“Mấy bữa nay, chúng tôi phải cày xới bùn đất thủ công chứ các loại máy móc đều hỏng hóc”, ông Việt nói.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau La Hường cho biết, hơn 7,5ha rau màu của bà con bị nước nhấn chìm.
“May mắn là chúng tôi đã kịp thu hoạch phần lớn rau nên chỉ hư hại khoảng hơn 2ha rau muống và hơn 1ha rau màu khác”, ông Hoàng thông tin.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, trận mưa lịch sử tối 14-10 đã làm hư hại 50,6ha rau màu trên toàn TP Đà Nẵng. Trong đó, quận Cẩm Lệ 14,2ha, Ngũ Hành Sơn 12ha, huyện Hòa Vang 24,4ha.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và phục vụ vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đơn vị đã đề nghị cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý bình ổn giá thị trường, không để xảy ra trường hợp găm hàng, trục lợi do mưa lũ. Bên cạnh đó, quán triệt ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương họp chợ, không lợi dụng mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý. Ban quản lý các chợ, theo dõi, giám sát hàng hóa tại chợ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dụng mưa lũ để nâng giá bất hợp lý.
Các đơn vị siêu thị, trung tâm thương mại, các đầu mối cung ứng hàng hóa thiết yếu tăng cường dự trữ hàng hóa, không để xảy ra trường hợp tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đặc biệt đề nghị các đơn vị đầu mối sẵn sàng bố trí con người, phương tiện để cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm, lương thực... nhằm kịp thời ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị chia cắt khi có yêu cầu huy động từ thành phố và các địa phương.