Đà Nẵng: Khuyến khích mua sắm, sử dụng xe ô tô điện tại các sở, ban, ngành
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh vừa ký Quyết định số 124/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo Quyết định số 124/QĐ-UBND vừa được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký ngày 14/01/2021, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 150 trạm sạc ô tô điện cấp 1, 2 và 15 trạm sạc cấp 3; đến năm 2030 xây dựng 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3 trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Về giải pháp hỗ trợ đầu tư và phát triển để đạt mục tiêu nêu trên, UBND TP Đà Nẵng khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện phục vụ tại các sở, ban, ngành, cơ quan nhà nước trên địa bàn TP trên cơ sở phù hợp với quy định tại Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và quy định tại Quyết định 34/2020/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng quy định về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng (trừ xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế) tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP.
UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện. Đề xuất áp dụng quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trạm sạc xe ô tô điện nếu thỏa mãn các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 149/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng.
Đối với các vị trí trụ sở công, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc có chính sách khuyến khích hỗ trợ để thực hiện đầu tư trạm sạc xe ô tô điện tại các trụ sở công (trung tâm hành chính, bệnh viện) theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP Đà Nẵng cũng đề ra giải pháp về xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, hợp tác phát triển. Theo đó, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ ODA, phi chính phủ nước ngoài để nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời mái nhà.
Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ, tranh thủ sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin và tri thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ của các tổ chức trong nước và quốc tế, các công ty đa quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm tư vấn, các chuyên gia.
Đồng thời khuyến khích các đơn vị, cá nhân trong TP xây dựng các dự án kêu gọi vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc phát triển cung cấp dịch vụ hoặc mạng lưới trạm sạc xe điện. Thành lập và phát huy vai trò của các Hiệp hội xe điện trong quá trình đẩy mạnh phát triển và ứng dụng mạng lưới trạm sạc xe điện.
Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng đề ra giải pháp nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng sạch cho phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường. Cụ thể là tuyên truyền đến các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức tiên phong trong việc mua sắm, sử dụng các sản phẩm giao thông vận tải sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng dịch vụ mới của TP Đà Nẵng.
Tổ chức đào tạo, tập huấn cho điện thoại viên thuộc Tổng đài dịch vụ giải đáp thông tin 1022 để hướng dẫn người dân, tư vấn khách hàng, chủ đầu tư khi có nhu cầu mua sắm xe ô tô điện. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho người dân về kế hoạch triển khai thực hiện, lợi ích, các chính sách của đề án nhằm tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền và nhân dân để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn TP Đà Nẵng;
Tuyên truyền, phổ biến cho người dân và doanh nghiệp hiểu về lợi ích của việc sử dụng năng lượng sạch cho phương tiện giao thông nhằm từng bước thay đổi thói quen, tâm lý của người tiêu dùng, khuyến khích việc chuyển sang mua sắm, sử dụng các sản phẩm mới, ứng dụng dịch vụ mới hướng tới tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Xây dựng và khai thác các tiện ích dịch vụ liên quan đến mạng lưới trạm sạc để người dân được tiếp cận các dịch vụ về giao thông theo công nghệ xanh, thiết thực, mang lại cuộc sống tiện nghi, dễ chịu.