Đà Nẵng: Làm rõ trách nhiệm trong chậm giải quyết đơn thư, kiến nghị
Đối với các đơn thư, kiến nghị kéo dài hàng chục năm và chưa được giải quyết triệt để, ai phải là người chịu trách nhiệm? Đây là vấn đề được đặt ra trong phiên giải trình đơn thư đầu tiên của năm 2022 do Thường trực Hội đồng Nhân dân TP.Đà Nẵng tổ chức.
Ngày 19/3/2003, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định thu hồi khu đất có diện tích gần 343m2 của hộ ông Nguyễn Tiến Dũng đang kinh doanh xăng dầu để đầu tư xây dựng Dự án đường du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc. Theo đó cuối năm 2004 thành phố đã có cơ chế bồi thường, hỗ trợ và có chủ trương tạm di dời nhà ông Dũng sang khu đất A11 diện tích 307m2 với điều kiện không kinh doanh. Song hơn 17 năm trôi qua, gia đình ông Dũng vẫn chưa chính thức nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất đang ở tạm, hay được bố trí tái định cư theo đúng chủ trương của thành phố trước đây.
Ông TÔ VĂN HÙNG, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Đà Nẵng: "Hộ dân này cũng có hướng nếu như không được giải quyết lô A11 thì nguyện vọng là được bồi thường tái định cư 1 lô biệt thự thì theo tôi đây vẫn là câu chuyện vẫn có thể xem xét được. Bởi lẽ đền bù bằng đất ở nó cũng đúng.”
Ông LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng: "Đơn vị nào đứng lên nói cũng có lý hết, cũng đúng hết, nhưng cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai mà người dân nêu lên là 16-17 năm trời không được giải quyết. Tôi đề nghị cần xem xét trách nhiệm của mình vì đây là phiên giải trình mà.”
Ông LƯƠNG CÔNG TUẤN, Trưởng Ban pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng: "Hai đơn vị có trách nhiệm trong này là Sở xây dựng với vai trò là cơ quan tham mưu. Nếu nói sở xây dựng không vai trò tham mưu thì ông phối hợp hội đồng, nhưng trường hợp này anh không làm. Và UBND quận Sơn Trà với tư cách là Ủy ban giải phóng mặt bằng, giải quyết cho người dân không triệt để.”
Ông LÊ TRUNG CHINH, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: "Đồng ý theo đề xuất của UBND quận Sơn Trà, theo hướng bố trí 1 lô tại đường Lê Văn Lương theo đúng phương án tái định cư và các điều kiện khác để hỗ trợ cho ông này. Còn đề xuất chuyển đổi ngành nghề thì xem xét sau.”
Đây mới chỉ là 1 trường hợp tiêu biểu trong số 4 đơn thư tồn đọng, kéo dài hàng chục năm được HĐND thành phố Đà Nẵng đưa ra, đề nghị các bên liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm và đã có hướng xử lý cụ thể. Cũng là lần đầu tiên phiên giải trình đơn thư, kiến nghị cử tri của thường trực HĐND Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức và định hướng sẽ tổ chức thường niên
Ông LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng: "Giữa thường trực HĐND và UBND cũng thống nhất là định kỳ hằng quý sẽ tổ chức phiên giải trình về đơn thư trên cơ sở đơn thư có giải trình khá lâu hoặc có vướng mắc trong quá trình giải quyết, cần có sự thống nhất chung hoặc quan điểm chung và chỉ đạo giải quyết của UBND cũng như là sự phối hợp giám sát của các ban và thường trực HĐND.”
Dù đây là hoạt động không mới, nhưng với sự thẳng thắn vào cuộc và không né tránh trách nhiệm, phiên giải trình đơn thư được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vai trò giám sát của HĐND thành phố Đà Nẵng theo tinh thần của Điều 72,73,74 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Thực hiện : Mỹ Phượng Lê Quang