Đà Nẵng lập Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 13, học sinh nghỉ học, công nhân nghỉ làm
Ngày 13/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có Công điện số 10/CĐ-UBND về ứng phó với bão Vamco (bão số 13) được đánh giá là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp; dự kiến ngày 14/11, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền TP Đà Nẵng gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, mực nước biển và sóng biển dâng cao.
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng, thủy văn, cơn bão số 13 (bão Vamco) đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền khu vực Trung Trung bộ. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp; dự kiến ngày 14/11, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền TP Đà Nẵng gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, mực nước biển và sóng biển dâng cao.
Nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, tiếp sau Công điện số 09/CĐ-UBND chiều 12/11, tại Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 13/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với bão số 13, đặt tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, bắt đầu làm việc từ 09h ngày 14/11.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.
Trong đó lưu ý các quận ven biển phải tính tới kịch bản nước biển dâng và sóng ven biển do bão khi tổ chức công tác sơ tán nhân dân sống tại khu vực ven biển để đảm bảo an toàn. Các quận, huyện phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày.
Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15h ngày 13/11. Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy tiền phương TP Đà Nẵng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Công an TP Đà Nẵng được giao chủ trì phối hợp với Sở GTVT và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tới những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường… quan trọng, bắt đầu từ 12h ngày 14/11.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng được yêu cầu nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi; phối hợp với các địa phương và CSGT đường thủy, Chi cục Thủy sản TP đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn, hoàn thành trước 15h ngày 13/11. Tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu, thuyền neo đậu trong thời điểm mưa, bão.
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang khẩn trương di dời tất cả các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, hoàn thành trước 15h ngày 13/11.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Xây dựng, các Sở chuyên ngành xây dựng, UBND các quận, huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, BQL Dự án đầu tư xây dựng tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công ngừng thi công, hạ tất cả các cần trục, tháp cẩu và các phương tiện thiết bị thi công trên cao trước 17h ngày 13/11; có biên bản cam kết và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng, chống ngập úng do mưa lớn tại khu vực đô thị, lưu ý các khu dân cư, công trình đang thi công dở dang; thực hiện công tác chằng chống nhà cửa cho các nhà tạm chờ tái định cư; chỉ đạo các đơn vị thi công chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị thi công để xử lý kịp thời trong các tình hình phức tạp, cần hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn có thể xảy ra.
Sở TT-TT, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng các công trình thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình, trụ BTS, pano, bảng quảng cáo, áp phích tuyên truyền... rà soát, kiểm tra mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình; tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không đảm bảo an toàn, hoàn thành trước 17h ngày 13/11.
BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng có trách nhiệm chỉ đạo các BQL dự án thông báo cho các KCN, các doanh nghiệp tại KCN thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, kho tàng, nhà xưởng trọng yếu, công trình và tính mạng công nhân khi mưa, bão xảy ra; kiểm tra, thực hiện chằng chống, rong tỉa cành, xử lý các cây xanh có nguy cơ ngã, đổ, gãy trong khu công nghệ cao và các KCN, hoàn thành trước 17h ngày 13/11.