Đà Nẵng 'loay hoay' thi hành án liên quan đến vụ 'Vũ nhôm'
Nghị trường HĐND TP Đà Nẵng trở nên 'nóng' khi các đại biểu đặt vấn đề rằng việc thi hành án đối với các dự án liên quan đến vụ án 'Vũ nhôm' sẽ gây ra những hệ lụy cần xem xét.
Khó thi hành án?
Chiều ngày 7/7, trong phiên thảo luận tại hội trường thuộc khuôn khổ kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu đề cập đến vấn đề TAND TP Hà Nội quyết định giao cho Đà Nẵng thi hành án, thu hồi các khu đất liên quan đến Vụ án Phan Văn Anh Vũ.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Tuấn Lợi cho rằng, việc thi hành án đối với vụ án Phan Văn Anh Vũ liên quan đến khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang gặp nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng Đà Nẵng cần phải làm rõ.
Cụ thể, theo ông Lợi, bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020 của TAND Cấp cao TP Hà Nội quyết định giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi khu đất 29ha nói trên và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất là rất khó thi hành. Không những vậy, quyết định thi hành án sẽ gây ra những hậu quả xã hội khó dự đoán.
Đại biểu Trần Tuấn Lợi phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường diễn ra chiều ngày 7/7.
“Phán quyết như vậy sẽ gây ra sự bất an cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án. Đó là chưa kể, việc này sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người khi tổ chức thi hành án. Hậu quả về mặt ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn thành phố là khó dự đoán được” – ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, liên quan đến dự án này, chủ đầu tư dự án là Công ty Đa Phước đang có tổng dư nợ tại 2 Ngân hàng Vietcombank và SHB lên đến hơn 1.500 tỷ đồng bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất của khu đất 29ha. Vì thế, khi toàn bộ quyền sử dụng đất của dự án này bị thu hồi, Công ty Đa Phước khó tránh khỏi việc bị phá sản.
Và một khi các doanh nghiệp phá sản, các khoản nợ ngân hàng trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi. Hệ quả là gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của ngân hàng và nhiều nhà đầu tư đã hợp tác với chủ đầu tư dự án khi xây dựng cơ sở hạ tầng.
Liên quan đến vụ án "Vũ nhôm", khách hàng mua nhà tại dự án The Sunrise Bay liên tục đòi quyền lợi, kêu cứu.
“Việc thu hồi khu đất 29ha phải tính đến việc giải quyết khối tài sản trên đất nhưng bản án lại không hề đề cập đến. Trong khi đó, số tài sản trên đất này được Công ty Đa Phuớc và những nhà đầu tư khác đầu tư với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền đã đầu tư của các đối tác sẽ mất, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp. Do vậy, việc giao cho UBND TP Đà Nẵng thu hồi khu đất này là không khả thi” - ông Lợi khẳng định.
Tiếp tục kiến nghị
Cũng theo ông Trần Tuấn Lợi, Công ty Đa Phước đang lập thủ tục đề nghị xem xét lại bản án nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm, theo hướng đề nghị hủy bỏ việc thu hồi dự án.
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Tuấn Lợi, đại biểu Huỳnh Minh Chức cũng đưa vấn đề thi hành án đối với bản án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ ra thảo luận và kiến nghị UBND TP có giải pháp thi hành án đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi của các bên.
Một góc bên trong Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước.
Trước ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND Đà Nẵng - cho rằng, cử tri có ý kiến rất nhiều và Bí thư Thành ủy cũng đã có quan điểm rất rõ. Vấn đề thi hành án trong thực tế có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ, đồng thời chỉ định ông Trần Phước Thu - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng trả lời ý kiến của các đại biểu.
Theo ông Trần Phước Thu, dự kiến đến cuối năm, Cục THADS TP Hà Nội sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đối với Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước và ủy thác cho Cục THADS TP Đà Nẵng tổ chức thi hành.
“Tuy nhiên, hiện tại chưa có nên chưa biết khó khăn, vướng mắc thế nào, do đó chưa báo cáo được” - ông Trần Phước Thu nói.
Liên quan đến 4 quyết định thi hành án đối với 4 lô đất khác liên quan đến Vụ án Phan Văn Anh Vũ, ông Thu cho rằng có nhiều vướng mắc liên quan đến chủ sở hữu lô đất, tài sản trên đất, liên quan đến các nhà đầu tư khác khiến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Phước Thu - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng - trả lời ý kiến của các đại biểu.
“Với các vướng mắc nêu trên, cơ quan Thi hành án dân sự không thể tổ chức giao tài sản cho UBND TP Đà Nẵng theo nội dung Bản án đã tuyên. Cùng với đó, một số chi cục thi hành án sẽ có văn bản kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án” – ông Thu cho hay.