Đà Nẵng lý giải việc chọn tổ hợp công nghệ xử lý rác thải ở Khánh Sơn
Nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm được coi là trọng tâm của Khu liên hiệp (KLH) xử lý rác thải rắn Khánh Sơn. Do KLH ở gần các khu đô thị nên việc chọn lựa công nghệ như thế nào đảm bảo môi trường an toàn luôn được người dân Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm được coi là trọng tâm của Khu liên hiệp (KLH) xử lý rác thải rắn Khánh Sơn. Do KLH ở gần các khu đô thị nên việc chọn lựa công nghệ như thế nào đảm bảo môi trường an toàn luôn được người dân Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng khẳng định, tổ hợp công nghệ mà TP vừa lựa chọn được đánh giá là thông minh, chưa địa phương nào ở Việt Nam chọn.
Công nghệ 3 trong 1
Ông Hùng cho biết, sau hơn 5 tháng TP ban hành quyết định phê duyệt tiêu chí để lựa chọn công nghệ cho Nhà máy xử lý rác thải rắn Khánh Sơn đến nay cơ bản đã chọn được công nghệ phù hợp. Trong số 21 nhà đầu tư quan tâm, có 16 hồ sơ đủ điều kiện đưa vào xét chọn, kết quả cuối cùng đã chọn được Tổ hợp nhiều công nghệ bao gồm phân loại rác, đốt rác phát điện và bioga phân điện. Theo yêu cầu TP đưa ra, tỷ lệ rác chôn lấp sau xử lý dưới 5% (qui chuẩn Việt Nam qui định chôn lấp không quá 20%) bởi vì Đà Nẵng không còn đất chôn lấp rác. Vì điều kiện khắt khe này nên dù có nhiều công nghệ hiện đại nhưng không đáp ứng được. Chẳng hạn nếu chỉ dùng công nghệ đốt rác dù đảm bảo tỷ lệ tro bay dưới 5% nhưng phần tro đáy đạt xấp xỉ 20%, con số này rất lớn. Hoặc có những công nghệ của Đức, Phần Lan hiện đại, nhưng nếu chỉ đốt mà không phân loại cũng khó đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 5%. Một vấn đề nữa, nếu chỉ giải quyết rác sau khi phân loại hoặc không phân loại đưa vào đốt thì phải đối diện với câu chuyện rác từ phân bùn bể phốt, sau này cũng phải làm một nhà máy riêng để giải quyết.
Từ những lý do đó, TP đã chọn tổ hợp công nghệ gồm cả phân loại, đốt và thu khí biogas phát điện. Cụ thể, rác được đưa vào phân loại, phần rác hữu cơ xử lý ra khí phát điện và phần rác vô cơ đốt phát điện. Với tổ hợp 3 công nghệ này sẽ đảm bảo yêu cầu chôn lấp dưới 5% cũng như sẽ giải quyết được bài toán rác sinh hoạt đô thị lâu dài của TP. Đặc biệt, theo các nhà khoa học họ đánh giá yêu cầu của TP đưa ra chôn lấp dưới 5% và chọn công nghệ này để đề xuất là một lựa chọn rất thông minh. “Tôi khẳng định luôn là hiện nay không có địa phương nào chọn như Đà Nẵng, họ chỉ chọn hoặc đốt phát điện, hoặc phân loại rồi đốt”- ông Hùng nói.
Với công nghệ này, ông Hùng cho biết hiện có 1 nhà đầu tư đủ điều kiện, trong tuần này nhà đầu tư này sẽ hoàn tất các hồ sơ đề xuất để Sở trình TP và cam kết nếu đảm bảo tất cả các bước (12 bước) chặt chẽ thì đến tháng 9-2023 Đà Nẵng sẽ có nhà máy xử lý rác này. Tuy nhiên, các bước này cũng rất khó khăn, bởi ngoài thẩm quyền của địa phương thì còn thẩm quyền các Bộ. Chẳng hạn thẩm quyền của Bộ Công thương về đấu nối phát điện (nhà máy đốt rác 650 tấn ở Khánh Sơn của Cty Môi trường Việt Nam chậm trễ mấy tháng cũng vì lý do đấu nối điện này); Thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời về việc liên danh với nhà đầu tư nước ngoài; thẩm quyền của Bộ Tài nguyên & Môi trường về thẩm định công nghệ… Ông Hùng nói, sau khi có ý kiến các Bộ về những vấn đề này mới nói tới chuyện thẩm định, cấp phép xây dựng, thế nên cam kết dự kiến khởi công vào tháng 5-2020 của nhà đầu tư rất khó thực hiện.
Sớm quy hoạch tổng thể khu liên hiệp
Ngoài nhà máy nêu trên, trong KLH còn hàng loạt dự án xử lý môi trường khác đang triển khai. Cụ thể gồm nhà máy đốt rác công suất 650 tấn/ngày đêm của Cty môi trường Việt Nam đang triển khai nâng cấp công nghệ, dự án Trạm xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 đang thực hiện bước lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn thành trong năm 2021, dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn sẽ khởi công tháng 10-2020, sắp tới TP sẽ đầu tư thêm 1 lò đốt rác thải y tế. Ngoài ra, ông Hùng cho biết, các dự án chi tiết đã có quy hoạch và khoảng cách ly, tuy nhiên tổng thể KLH thì chưa có quy hoạch. Do vậy, TP đang đấu thầu chọn nhà tư vấn lập quy hoạch tổng thể.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho biết, xử lý rác thải rắn, cấp nước hay ùn tắc giao thông đang là những vấn đề “nóng” của Đà Nẵng, đặt yêu cầu bức thiết phải xử lý sớm. Ông Trung cho rằng, khu vực bãi rác Khánh Sơn được lấy để triển khai KLH xử lý rác thải rắn của TP vì vậy phải có quy hoạch tổng thể, trong tháng 5-2020 phải xong quy hoạch này để tháng 6 công bố cho người dân để thực hiện giải tỏa, quản lý tránh xây dựng trái phép. Đặc biệt, để kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày đêm thì phải công bố quy hoạch, vị trí, đất, hạ tầng… “Thống nhất tháng 10 -2020 phải xong công đoạn này để nhà đầu tư yên tâm đầu tư”- ông Trung nói.
Không chỉ KLH xử lý rác thải Khánh Sơn, hiện TP đang triển khai hàng loạt dự án môi trường, chi phí đầu tư rất lớn. Chẳng hạn chi phí chôn lấp 1 tấn rác thải rắn trả cho Cty môi trường đô thị hiện 40 ngàn đồng, sắp tới tăng lên hơn 60 ngàn đồng. Trong khi nếu xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn với tổ hợp công nghệ hiện đại như nêu trên chi phí khoảng 260 ngàn đồng/tấn. Do vậy, ông Hùng cho biết TP sẽ cân nhắc phương án tăng phí môi trường để đảm bảo cân đối với chi phí đầu tư.