Đà Nẵng nâng mức báo động cháy rừng lên cấp nguy hiểm

Thời gian qua, tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn TP Đà Nẵng có những chuyển biến phức tạp và khó lường, nguy cơ cao có thể dẫn đến cháy rừng bất cứ lúc nào. Để chủ động phòng chống và ngăn chặn tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, cùng với cả nước, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng.

Ông Trần Viết Phương.

Ông Trần Viết Phương.

P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về hiện trạng rừng Đà Nẵng trong thời điểm hiện tại cũng như những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cháy rừng trong thời gian sắp tới?

Ông Trần Viết Phương: Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng tại TP Đà Nẵng là 66.408,64 ha (diện tích đất có rừng là 63.596,67 ha) với mật độ che phủ trên tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 47,02%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 44.497,67 ha; rừng trồng 19.099,30 ha. Tuy diện tích rừng ở Đà Nẵng không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong quốc phòng, an ninh, phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch sinh thái, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của thành phố.

Thời tiết khô hạn và nắng nóng trong thời gian qua, những cánh rừng tại Đà Nẵng đứng trước nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Hiện nay, các nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn đến cháy rừng có thể kể đến như, khách du lịch đi theo nhóm, tổ chức cắm trại, nấu nướng trong rừng thường chủ quan, bất cẩn trong việc sử dụng lửa. Bên cạnh đó, việc người dân khai thác rừng trồng và sử dụng lửa để xử lý thực bì tại chỗ cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cháy rừng. Ngoài ra, vào thời gian khoảng tháng 4 trở đi, người dân thường vào rừng để đốt ong lấy mật, nếu không cẩn thận kiểm soát mồi lửa cũng có thể gây ra cháy rừng.

Lực lượng kiểm lâm H. Hòa Vang hướng dẫn lực lượng dân quân địa phương sử dụng các trang thiết bị chữa cháy.

Lực lượng kiểm lâm H. Hòa Vang hướng dẫn lực lượng dân quân địa phương sử dụng các trang thiết bị chữa cháy.

P.V: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng dự báo sẽ còn kéo dài, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã có những biện pháp gì để công tác PCCCR có hiệu quả, thưa ông?

Ông Trần Viết Phương: Với tình hình thời tiết Đà Nẵng tiếp tục có nắng nóng, phổ biến ở mức nhiệt 33-36 độ, có nơi trên 36 độ, độ ẩm phổ biến từ 45-55%, chính vì vậy Chi cục Kiểm lâm thành phố đã theo dõi, luôn đăng bản tin cảnh báo cháy rừng. Hiện nay, Chi cục đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp IV (cấp nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh). Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo đến Ban chỉ đạo PCCCR tại các địa phương sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra, với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; dụng cụ phương tiện tại chỗ; con người tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Hiện nay, chúng tôi còn tổ chức lực lượng phản ứng nhanh túc trực 24/24 giờ, chốt chặn các điểm dễ xảy ra cháy rừng. Các hộ dân, lực lượng dân quân tự vệ, chủ rừng do lực lượng kiểm lâm địa phương đó chủ trì, sẵn sàng ứng phó khi có phát lửa tại rừng. Qua các giải pháp cơ bản trên, trong những năm gần đây, các trường hợp cháy rừng tại Đà Nẵng đã được lực lượng chức năng xử lý ngay từ đầu, không để cháy lan, cháy lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng.

P.V: Bên cạnh nhiệm vụ và chức năng chính trong công tác PCCCR thuộc về lực lượng kiểm lâm thì vai trò của người dân cũng không kém phần quan trọng, vậy công tác tuyên truyền để người dân hiểu cũng như nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã được Chi cục triển khai ra sao?

Ông Trần Viết Phương: Đúng vậy, người dân có một vai trò quan trọng trong việc trồng, bảo vệ rừng và tham gia công tác PCCCR. Chính vì vậy, trong những năm qua, Ban chỉ đạo PCCCR thành phố luôn thường xuyên ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm cơ sở, phối hợp với địa phương xuống tận nhà người dân để tuyên truyền nâng cao ý thức PCCCR. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cơ sở cũng yêu cầu các chủ rừng ký cam kết thực hiện nghiêm phương án PCCC tại rừng của mình. Đặc biệt, 586 hộ dân sống ở gần rừng đã tích cực tham gia giữ rừng thông qua đề án chi trả “dịch vụ môi trường rừng”. Đây là gói hỗ trợ ý nghĩa không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp chuyển đổi nhận thức trong vấn đề bảo vệ rừng cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết 254 của HĐND TP Đà Nẵng với mức chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sáng gỗ lớn với chi phí 8 triệu đồng cho mỗi héc-ta; trồng mới 12 triệu đồng/ha.

Song song với việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, chúng tôi sẽ quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm trong việc PCCCR. Theo quy định hiện nay, đối với mức cảnh báo cháy rừng từ cấp III trở lên, yêu cầu các chủ rừng không được xử lý thực bì tại các cánh rừng, nếu hộ nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cùng với đó, chúng tôi còn yêu cầu các tổ dân phố đưa các trường hợp không thực hiện đúng chủ trương PCCCR ra trước nhân dân để kiểm điểm làm gương.

Lực lượng kiểm lâm cùng người dân kiểm tra công tác PCCCR tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

Lực lượng kiểm lâm cùng người dân kiểm tra công tác PCCCR tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

P.V: Riêng về khu vực rừng phòng hộ Sơn Trà, nơi được xem như "lá phổi xanh" của Đà Nẵng, thu hút nhiều động thực vật quý hiếm sinh sống, vậy Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã có những biện pháp gì trong việc tăng cường công tác PCCCR Sơn Trà và bảo vệ các động, thực vật quý hiếm tại đây?

Ông Trần Viết Phương: Hiện nay, diện tích rừng tại bán đảo Sơn Trà là 3.781ha, trong đó có 2.591ha rừng đặc dụng. Với vị trí địa lý đặc biệt, được ví như “lá phổi xanh” của Đà Nẵng, rừng phòng hộ Sơn Trà có một vai trò quan trọng trong công tác an ninh, quốc phòng, cân bằng sinh thái, phát triển du lịch sinh thái của thành phố. Chính bởi tầm quan trọng đặc biệt của rừng phòng hộ Sơn Trà, Chi cục đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tại địa bàn Q. Sơn Trà phối hợp với địa phương, các cơ quan liên quan liên tục tuần tra, kiểm soát an ninh rừng, anh ninh trật tự, cháy rừng tại khu vực này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức xe lưu động tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách nên cẩn trọng khi sử dụng lửa để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng tại địa bàn.

Về bảo vệ động thực vật quý hiếm tại Sơn Trà, chúng tôi đã chủ động nhắc nhở cũng như cắm những biển báo cấm để người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ các động thực vật quý hiếm tại đây. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm Sơn Trà cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở những nơi dễ xảy ra việc săn, bẫy bắt động vật hoang dã. Lực lượng chức năng xuống tận nhà người dân, các nhà hàng, quán nhậu để tuyên truyền chủ trương không săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Nếu phát hiện các trường hợp bắt giữ, buôn bán động vật hoang dã tại Đà Nẵng, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

P.V: Xin cảm ơn ông!

NGỌC QUỐC (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_224891_da-nang-nang-muc-bao-dong-chay-rung-len-cap-nguy-h.aspx