Đà Nẵng nêu vướng mắc trong thu hồi tài sản liên quan Vũ 'nhôm'
UBND TP Đà Nẵng kiến nghị TAND cấp cao tại Hà Nội hướng dẫn để tháo gỡ trong việc thu hồi các tài sản, chủ yếu là BĐS liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ.
UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Tòa án nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc thực hiện bản án liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’).
Theo báo cáo, bản án hình sự phúc thẩm ngày 12/5/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội vi phạm các quy định quản lý đất đai.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên giao UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi cho nhà nước các bất động sản tại TP Đà Nẵng liên quan Phan Văn Anh Vũ.
Sau khi bản án có hiệu lực, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai thi hành bản án tại công văn 4539 ngày 22/7/2021 và ban hành quyết định 08 thu hồi tài sản là nhà, đất theo bản án số 158 và bản án sơ thẩm số 20. Tuy nhiên quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, nhận được nhiều văn bản của các cá nhân, tập thể kiến nghị liên quan đến các tài sản thực hiện thu hồi.
Ngày 9/3, tại cuộc họp liên ngành các cơ quan Trung ương, địa phương gồm đại diện TAND cấp cao tại Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, Viện KSND TP Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất, liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của UBND TP Đà Nẵng trong quá trình thực hiện bản án, đề nghị UBND TP Đà Nẵng có báo cáo cụ thể bằng văn bản gửi TAND cấp cao tại Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, có nhiều tài sản trước khi kê biên đã chuyển nhượng, không còn đứng tên Phan Văn Anh Vũ.
Trong đó, 2 thửa đất B3-13-35 (hơn 174m2) và B3-13-51 (hơn 210m2) cùng tờ bản đồ K101/01 khu đô thị Habour Ville (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đều được chuyển nhượng trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành kê biên.
Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị bản án.
Bên cạnh đó, nhiều tài sản có khác biệt giữa lệnh kê biên, bản án và thực tế, như nhà đất 20 và 07 Bạch Đằng, 37 và 39 Pasteur đã được cấp đổi thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh nội dung bản án.
Đối với nhóm tài sản thu hồi liên quan người thân Vũ "nhôm", một số tổ chức, cá nhân kiến nghị về việc thu hồi, bồi thường tài sản hợp pháp, gồm nhà đất 22 Cô Giang (đứng tên bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ Phan Văn Anh Vũ), nhà đất 02 Hải Phòng (bà Ngô Minh Anh, Ngô Minh Phương), nhà đất 20 Bạch Đằng, 34 Hoàng Văn Thụ (bà Phan Anh Hạnh Trinh), nhà đất 45 Nguyễn Thái Học (Công ty TNHH I.V.C), nhà đất 73 Nguyễn Thái Học (Công ty CP đầu tư Nhất Gia Phúc), nhà đất 47 Nguyễn Thái Học (Công ty TNHH Phú Gia Compound)…
Theo UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân này kiến nghị đây là các tài sản hợp pháp của họ, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số tài sản đã được chủ sở hữu mới đầu tư xây dựng trên đất, nếu thu hồi thì phải bồi thường.
Tuy nhiên, về giá trị bồi thường theo kết luận của vụ án hay giá trị thị trường tại thời điểm nhận bàn giao quyền sử dụng đất trên thực tế thì bản án phúc thẩm chưa giải quyết cụ thể. Vì vậy, cần kiến nghị giải thích bản án, làm rõ các vấn đề liên quan, giải quyết hoàn tất quyền lợi chính đáng của chủ tài sản.
Tại phiên chất vấn ngày 20/3/2023 của Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn bất nhất tại thời điểm phạm tội hay khởi tố. Khi đó, ông Bình cho biết, từ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2022, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành nghị quyết, tất các vụ án đều lấy thời điểm xảy ra hành vi phạm tội làm căn cứ xác định giá trị tài sản để tính giá trị thiệt hại trong các vụ án.
Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng đề cập ý kiến tại cuộc họp liên ngành ngày 9/3/2023 ở TAND cấp cao tại Hà Nội đã thống nhất: "Nhóm 20 tài sản kê biên liên quan vợ, người thân bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Công ty CP Xây dựng 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 có tranh chấp phân chia quyền sở hữu, sử dụng. Đề nghị Vụ Giám đốc kiểm tra 1 tham mưu lãnh đạo TAND tối cao giải quyết".
Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Vụ Giám đốc kiểm tra 1 tham mưu TAND tối cao hướng dẫn UBND thành phố thực hiện bản án thu hồi các tài sản liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ.
Đối với Dự án Khu du lịch ven biển tại đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), đây là dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, cho thuê đất theo dự án đầu tư đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt.
Theo UBND TP Đà Nẵng, điều 48 Luật Đầu tư không quy định thu hồi dự án, chỉ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư; điều 64 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, không có khái niệm "thu hồi dự án" như bản án đã tuyên, dẫn đến UBND TP Đà Nẵng lúng túng trong thực hiện.
Theo cách hiểu bản án của UBND TP Đà Nẵng, sẽ thu hồi đất sau đó chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp nội dung bản án như cách hiểu của Đà Nẵng, đề nghị tòa án đính chính, điều chỉnh bản án để thành phố có cơ sở thực hiện.
Mời độc giả xem thêm video Choáng với khối tài sản khủng của người ăn mày giàu nhất thế giới