Đà Nẵng ngày đầu nới lỏng nhiều hoạt động

Từ 8h sáng 16/9, TP. Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng giãn cách, cho phép một số loại hình dịch vụ hoạt động trở lại.

Phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng là “vùng xanh” khi hơn 14 ngày qua không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Theo quy định mới của TP. Đà Nẵng, tại các khu vực “vùng xanh” và “liên vùng xanh”, người dân được tham gia các hình thức thể dục, thể thao tại nơi công cộng trong phạm vi “vùng xanh”, thời gian từ 5h-7h sáng và từ 17h-19h tối, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác.

Ông Lê Đức Hiệp, ở tổ 34, phường Bình Hiên, quận Hải Châu cho biết, sau hơn một tháng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch “ai ở đâu thì ở đó”, mọi người vui mừng khi dịch bệnh được kiểm soát: “Cảm giác của tôi rất vui, sung sướng khi được đi tập thể dục mỗi ngày. Tôi mong TP. Đà Nẵng tiếp tục hạn chế được các vùng đỏ, vùng vàng, tăng cường các vùng xanh để TP. Đà Nẵng sớm trở lại bình thường, ổn định cuộc sống của người dân”.

Người dân vùng xanh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đạp xe tập thể dục.

Người dân vùng xanh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đạp xe tập thể dục.

Ngày đầu tiên TP. Đà Nẵng nới lỏng sau 1 tháng thực hiện giãn cách “ai ở đâu thì ở đó”, tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, số lượng công nhân trở lại làm việc tăng lên từ 70 đến 100% số lao động trong doanh nghiệp.

Tại chốt kiểm tra trên đường Nguyễn Chánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, từ sáng sớm 16/9, công nhân đi làm rất đông nhưng việc kiểm tra giấy đi đường được tiến hành nhanh, gọn.

Chị Nguyễn Thị Hằng Ni, công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng cho biết, sau thời gian dài nghỉ giãn cách nay trở lại làm việc rất vui: “Hôm nay, tôi bắt đầu đi làm lại thì khối lượng công việc nhiều hơn. Nói chung được đi làm lại là chúng tôi vui. Công ty tôi ở nhà thì cũng được chế độ hỗ trợ. Nhưng việc đi làm lại mọi người được nhận lương đầy đủ hơn sẽ phấn khởi hơn so với việc cứ ở nhà tù túng”.

Người đi đường đông hơn khi người lao động, công nhân đi làm tại công sở, nhà máy, xí nghiệp tăng hơn những ngày trước.

Người đi đường đông hơn khi người lao động, công nhân đi làm tại công sở, nhà máy, xí nghiệp tăng hơn những ngày trước.

Sáng 16/9, một số chợ truyền thống thuộc “vùng xanh” tại TP. Đà Nẵng hoạt động trở lại. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được giám sát chặt chẽ. Tại chợ Hàn, chợ Cồn, mỗi nơi bố trí hơn 50 hộ kinh doanh, chủ yếu bán các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, cá, thịt… Các hộ kinh doanh đeo tấm chắn giọt bắn, quầy bán hàng giăng dây giữ khoảng cách và sử dụng màn chắn ni lông.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các Chợ Đà Nẵng cho biết, tùy theo tình hình dịch bệnh và các biện pháp nới lỏng của thành phố, sắp đến các chợ tăng thêm số hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu từ 30% đến 50%.

“Sắp đến, nếu như nới lỏng thì chúng tôi sẽ tăng thêm các hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, còn những mặt hàng khác thì chưa. Về lực lượng, chúng tôi phải tổ chức như thế nào cho hợp lý, giám sát các cổng, cửa hạn chế bớt cổng cửa lại, tăng cường kiểm tra giám sát được lượng người. Khi vào cổng yêu cầu đảm bảo thực hiện nghiệm quy định 5K của Bộ Y tế. Đối với các hộ tiểu thương tuyên truyền quán triệt thậm chí là phải dùng biện pháp cứng để yêu cầu và thực hiện tốt 5K. Nếu trường hợp nào không đảm bảo mình có biện pháp xử lý bằng nhiều giải pháp”, ông cho biết thêm.

Các lực lượng giám sát, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách khi mua bán trong chợ Hàn.

Các lực lượng giám sát, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách khi mua bán trong chợ Hàn.

Người bán vẫn còn e dè khi mở cửa trở lại.

Người bán vẫn còn e dè khi mở cửa trở lại.

Tại các khu vực “vùng xanh”, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang về, nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng... đã mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vắng người mua do người dân chưa được ra khỏi nhà và tâm lý dè chừng của người mua lẫn người bán.

TP. Đà Nẵng giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã và các đơn vị liên quan tiếp nhận đăng ký, phê duyệt, cấp Giấy đi đường có mã QR cho các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm điều chỉnh ứng dụng với hạn mức cấp Giấy đi đường có mã QR theo quy định. Sở Xây dựng cấp Giấy đi đường cho những người tham gia thi công các công trình trọng điểm, động lực và cấp bách.

Tuy nhiên, sáng 16/9, tại nhiều công trường vẫn chưa hoạt động trở lại do thiếu lao động khi đa số lao động ngoài tỉnh về quê vẫn chưa trở lại thành phố.

Nhiều công trình thi công trở lại, nhưng thiếu lao động.

Nhiều công trình thi công trở lại, nhưng thiếu lao động.

Ông Nguyễn Đình Hoành, Quản lý một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Hữu Thọ cho rằng: “Hiện tại, việc xin cấp giấy đi đường gặp khó khăn. Trên trang web, các doanh nghiệp, tổ chức thì đăng ký được chứ cá nhân hoặc nhà thầu thì vẫn chưa biết đăng ký ở đâu. Số điện thoại tổng đài hỗ trợ luôn trong tình trạng máy bận hoặc không liên lạc được... rất khó cho nhà thầu đăng ký cho công nhân đi làm trở lại”./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/da-nang-ngay-dau-noi-long-nhieu-hoat-dong-891125.vov