Đà Nẵng nghi ngờ 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ
Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện một trường hợp đang điều trị tại đây với các triệu chứng giống triệu chứng bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ngành Y tế TP Đà Nẵng triển khai khẩn trương các biện pháp ứng phó.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật – Sở Y tế TP Đà Nẵng đã phát công văn khẩn đề nghị khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Theo báo cáo nhanh từ Bệnh viện Đà Nẵng, tại Khoa Y học Nhiệt đới của bệnh viện phát hiện một trường hợp đang điều trị tại đây với các triệu chứng giống triệu chứng bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới gửi Viện Pastuer Nha Trang để xét nghiệm xác định, loại trừ bệnh đậu mùa khỉ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cũng đã ban hành công văn khẩn chỉ đạo thực hiện cách ly đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ nhằm tránh lây lan để chờ kết quả xét nghiệm.
Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, CDC Đà Nẵng đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng cách ly tạm thời bệnh nhân theo đúng quy định, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, Bệnh viện Đà Nẵng lập danh sách tất cả nhân viên, người tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện để tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có).
Bên cạnh đó, bệnh viện cần lau chùi, khử trùng các khu vực có liên quan đến bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
CDC Đà Nẵng cũng yêu cầu Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) để điều tra thêm thông tin bệnh nhân, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để tư vấn, hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có).
Trung tâm Y tế Liên Chiểu cấp phát Chloramin B và hướng dẫn người nhà bệnh nhân vệ sinh, lau chùi tại địa chỉ nhà trên đường Phước Lý 14 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn điều tra, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trên địa bàn để tư vấn, hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.
Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đà Nẵng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã triển khai các biện pháp chuyên môn áp dụng trong công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
“Tuy nhiên, thông qua việc điều tra dịch tễ, lịch sử đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân thì không có mối liên hệ nào với các bệnh nhân đã mắc đậu mùa khỉ trước đó.
Ngoài ra, các triệu chứng, yếu tố lâm sàng của bệnh nhân thiên về bệnh tay chân miệng bị bội nhiễm hơn là đậu mùa khỉ.
Để chắc chắn, CDC Đà Nẵng đã gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang và dự kiến sẽ có kết quả trong ngày 19/10.
Trong lúc chưa có kết quả cuối cùng, ngành y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo quy định”, bác sĩ Lâm cho biết.