Đà Nẵng: Người dân mở nhạc, khiêu vũ bên bờ sông Hàn mỗi đêm

Ðêm Ðà Nẵng đã nghe tiếng nhạc dội lên, sân khấu sáng đèn, bạn trẻ cầm micro hát như chưa từng được hát. Bờ sông rộn ràng điệu nhạc và bước chân khiêu vũ mê say… Thành phố đã được uống thêm 'viên vitamin' bồi bổ tinh thần sau chuỗi ngày ngồi yên, bức bí vì dịch COVID-19 hoành hành.

Nhà hát Trưng Vương tổ chức nhiều chương trình phục vụ người dân sau khi thành phố nới lỏng các hoạt động từ giữa tháng 10

Đời sống đâu chỉ có áo cơm, cần thêm chút nhạc và không gian khoáng đạt. Ai cũng cần có sức khỏe tinh thần, nhất là giữa những tháng ngày chống chọi với đại dịch này.

Nơi nào có nhạc, nơi đó đông người

Chưa đầy 20h, quán nước nơi ngã tư đường Nguyễn Thái Học - Yên Bái (quận Hải Châu) đã đông người. Những bộ bàn ghế kê cách xa nhau dần được lấp kín bởi từng tốp khách tuổi hai mươi. Đêm đầu tiên được đi uống trà nghe nhạc sống sau khi thành phố nới lỏng các hoạt động, Nguyễn Hòa An (24 tuổi, quận Hải Châu) không giấu được cảm xúc: “Em nhớ lần gần nhất mình đi nghe nhạc là ở chợ đêm, chắc cũng tầm một năm rồi. Sau đó dịch ròng rã, không dám ra ngoài. Ở nhà bức bí, chồn chân. Em làm trong lĩnh vực thiết kế, đôi khi cần “xõa” một chút cho cái đầu bớt căng để dễ tìm ý tưởng mà chẳng biết tới chỗ nào. Giờ được tới đây nghe hát, cũng có thể đăng ký lên hát, cảm thấy mình thoải mái, lạc quan hơn rất nhiều”. Cũng như An, những bạn trẻ tới quán lộ rõ niềm vui qua đôi mắt, khi cảm giác được thụ hưởng âm nhạc trực tiếp, nhâm nhi ly nước, chuyện trò bè bạn được hồi sinh.

Hoạt động lại từ giữa tháng 10, quán cà phê Sol bistro trên đường Hoàng Diệu chỉ dám kê 50% bàn ghế theo quy định của thành phố, song cũng khá vắng khách. Chủ quán biết được nhu cầu ăn, uống đơn thuần của người dân không cao nên đã bồi thêm chương trình âm nhạc vào ban đêm. “Mấy đêm nhạc vừa rồi khách tới ngồi kín chỗ. Không chỉ có khách mười tám đôi mươi mà cả những người trung niên cũng tìm tới. Họ nói mừng quá, vì có nơi để thư giãn. Nhiều người còn “đòi” quán tổ chức đêm nhạc thường xuyên hơn để bồi bổ đời sống tinh thần”, chủ quán kể thêm.

Trò chuyện với những “kiếp cầm ca”, họ trải lòng nỗi ức chế, tù túng khi trải qua ròng rã bao tháng ngày “bất động”. Bởi họ làm nghệ thuật, sống trong âm đàn tiếng trống, hòa mình với khán thính giả mỗi ngày, bỗng nhiên dịch ập đến phải ngừng mọi hoạt động. Chẳng khác gì đón nhận dòng sóng bất động trên máy điện tâm đồ. Suốt thời gian ấy, có người ở nhà tự thu, sáng tác… nhưng sao lấp được nỗi cô đơn và bí bách. Anh Hoàng Lê (36 tuổi, ban nhạc Radio) nói làm nghề hơn 10 năm, chưa bao giờ phải “nghỉ ngơi” lâu như lần này cả. Mấy hôm nay được trở lại sân khấu, cùng anh em trong ban nhạc phục vụ mọi người, anh mới “thỏa nỗi khát khao” dồn nén bấy lâu. Cũng như anh, ca sĩ Hoàng Lâm (26 tuổi, Đà Nẵng) chộn rộn vì nhiều nơi gọi đi hát. Dù là sân khấu nhỏ nhưng “được cầm micro, được gặp mọi người là có thêm động lực và niềm vui sống”.

Lạc quan vượt qua bão dịch

Chạy xe dọc bờ sông Hàn về đêm, tiếng hát mộc với ghi ta cất lên từ những nhóm nhỏ năm bảy người. Họ ngồi đàn hát cho nhau nghe một cách dễ thương, bình thản. Đi đoạn nữa, cứ chỗ nào có khoảng sân rộng trên bờ kè, nơi ấy có chiếc loa thùng dội vang điệu khiêu vũ. Những cặp vũ công nghiệp dư lắc lư uyển chuyển, khi ghì riết khi uốn đổ cơ thể vào nhau, xung quanh hàng chục người ngồi ghế đá, dựa lan can đứng xem. Trước khi dịch bệnh hoành hành, những khoảng sân này như là “địa phận” của thế hệ 6x,7x. Chẳng ai hẹn ai, đêm xuống thì lên đồ ra bờ sông khiêu vũ.

Người dân mở nhạc, khiêu vũ bên bờ sông Hàn mỗi đêm. Ảnh: Thanh Trần

Vợ chồng anh Quốc Bảo, chị Dương Liễu (quận Sơn Trà) tập lại điệu Cha cha cha sau mấy tháng bỏ bê. Chị Liễu nói ở nhà có không gian, có âm nhạc đầy đủ, nhưng thiếu cái quan trọng nhất là không khí nên cả hai vợ chồng chẳng ai màng đến. Từ lúc thành phố cho phép thể dục thể thao ngoài trời, chỉ trừ những đêm mưa, còn lại chưa hôm nào anh chị vắng mặt. Anh Bảo chia sẻ thêm, đi khiêu vũ vừa rèn sức khỏe, vừa làm đời sống tinh thần màu sắc hơn vì được tương tác cùng với mọi người trong từng bước nhảy.

“Ði hát, đánh đàn bao nhiêu năm qua, tôi hiểu rõ tâm tình, thói quen của người dân Ðà Nẵng. Họ quen thụ hưởng văn hóa văn nghệ, nếu không có những chương trình ngoài trời, những sân khấu lớn thì họ tìm đến những hàng quán nhỏ. Qua khoảng thời gian dài không có nơi để thư giãn, đời sống tinh thần nghèo nàn khiến con người ta khô khan, bức bí, dễ hành động tiêu cực. Bản thân tôi cũng thèm hát, thèm ôm đàn. Những ngày qua, bạn bè ca sĩ, nhạc sĩ báo tin nơi này nơi kia đã hát lại, lòng tôi rạo rực hẳn. Vì có chỗ để người dân xốc lại tinh thần. Và quan trọng là an tâm hơn khi tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng”, ca sĩ, nhạc sĩ Duy An trải lòng.

Thành phố hát lên. Sau những tháng ngày mệt mỏi của dịch bệnh, khi chuyển mình sống trong trạng thái bình thường mới, lời hát không chỉ bắt gặp nơi tiệm trà, công viên, bờ sông, mà còn gặp trong sự nỗ lực gượng dậy để khởi động lại guồng máy đã ngừng nghỉ quá lâu. Đó là những nhà hát như Trưng Vương, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh…đang ngày đêm miệt mài luyện tập để sẵn sàng phục vụ nhân dân thành phố và du khách.

Ông Trần Văn Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho hay đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình để người dân có sân chơi, có sự gắn kết và lan tỏa tinh thần lạc quan vượt qua đại dịch. Như cuộc thi “Gia đình ta cùng hát” thu hút rất nhiều gia đình, với nhiều thế hệ tham gia và hiện đang ở vòng chung kết. Hay “Sắc màu Trưng Vương”, kết hợp giữa ca nhạc và talkshow, mỗi số là một câu chuyện…Nhà hát cũng đang chuẩn bị nhiều hoạt động cho các ngày lễ, sự kiện, đặc biệt là các chương trình biểu diễn ngoài trời khi thành phố cho phép.

Đại dịch là cơn bão quá lớn càn quét thành phố gần hai năm trời. Có những thời điểm bão dịch suy yếu thành áp thấp và tưởng chừng như sẽ tan, nhưng thật ra nó chỉ tạm lắng rồi lại bùng lên. Người dân Đà Nẵng đã chấp nhận thích ứng an toàn, và hiện tại đang thích ứng, chấp hành tốt những biện pháp phòng chống dịch. Suốt nhiều ngày qua thành phố không ghi nhận ca mắc cộng đồng dù quán xá vẫn mở, công sở vẫn làm, học sinh đến trường nhiều hơn. “Vững niềm tin chiến thắng”, chủ đề của một cuộc thi sáng tác ca khúc và kịch bản sân khấu về đề tài phòng, chống COVID-19 do Sở VH-TT tổ chức, cũng là niềm tin của cả thành phố để vượt qua bão dịch.

Thanh Trần

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-nang-nguoi-dan-mo-nhac-khieu-vu-ben-bo-song-han-moi-dem-post1388401.tpo