Đà Nẵng nhắm phân khúc khách có mức chi tiêu cao với du lịch golf
Được Liên minh các sân golf miền Trung đánh giá là sở hữu những sân golf đẳng cấp, Đà Nẵng đang từng bước biến sản phẩm du lịch này trở thành hấp lực đối với phân khúc du khách có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng thành phố biển ngoài nỗ lực khẳng định sự độc đáo riêng biệt cần phải có sự kết nối với các địa phương trong vùng như Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam mới có thể tạo ra giá trị cao cho sản phẩm, đặc biệt là đưa golf vào trong menu của du lịch MICE.
Mức chi tiêu cao gấp 6 lần so với khách du lịch thuần túy
Trong nỗ lực cơ cấu lại ngành du lịch, trong chiến lược phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, Đà Nẵng đang từng bước đưa du lịch golf trở thành một trong những sản phẩm khác biệt, có giá trị cao.
Đợt cao điểm du lịch mùa hè 30-4, Sở Du lịch TP Đà Nẵng sẽ phối hợp cùng với Liên minh các sân golf miền Trung tổ chức giải golf “Danang Fantasticity Open 2021”. Đây là giải đấu mở màn cho hệ thống các giải đấu trong sự kiện “Cuộc đua đến miền Trung kỳ thú - Tinh hoa Việt Nam”, hướng đến Tuần lễ Du lịch Golf tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế dự kiến tổ chức vào tháng 8-2021. Các tay golf sẽ tranh tài tại sân Bana Hills Golf Club vào ngày 30-4 và sân Montgomerie Links vào ngày 1-5.
Ngoài ra, ngày 2-5, các golf thủ có thể lựa chọn đánh thêm tại các sân golf miền Trung như Laguna Golf Lăng Cô, BRG Danang Golf Clubs, Hoiana Shores Golf Club, Vinpearl Golf Nam Hội An. Đồng thời, trong dịp này, các tay golf và gia đình khi đến Đà Nẵng sẽ có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, mua sắm giải trí hấp dẫn. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, miền Trung hiện có 7 sân golf đang hoạt động, trong khi cả nước có khoảng 70.000 hội viên chơi golf, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình cơ cấu lại, phát triển du lịch theo hướng có chiều sâu, bền vững thì miền Trung nói chung, Đà Nẵng hoàn toàn đủ lợi thế để đưa loại hình du lịch này thành một sản phẩm chất lượng.
“Khách du lịch golf có mức chi tiêu cao gấp 6 lần so với khách du lịch thuần túy. Vì vậy, việc nhắm tới phân khúc thị trường khách cao cấp là đúng định hướng phát triển của du lịch thành phố trong thời gian tới, góp phần từng bước xây dựng điểm đến Đà Nẵng trở thành điểm đến đẳng cấp, chất lượng, vươn tầm khu vực”, ông Bình cho biết. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, với mục đích từng bước khôi phục du lịch, đồng thời liên kết các cơ sở cung ứng dịch vụ, các sân golf trong hệ thống các sân golf tại miền Trung, tăng cường quảng bá hình ảnh golf cũng như hình ảnh du lịch thành phố, dịp này ngành du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ, các sân golf, mở cửa các sân tập, tạo điều kiện cho người dân địa phương, du khách có thể tiếp cận hiểu rõ hơn về loại hình du lịch này.
“Phải đi cùng nhau”
Theo ông Adam Calver - Chủ tịch Liên minh sân golf miền Trung, du lịch golf là môn thể thao khó tiếp cận do chi phí cao, tuy nhiên, các doanh nghiệp golf luôn cố gắng quảng bá loại hình du lịch này để tiếp cận với phân khúc khách hàng khác như phụ nữ hay trẻ em. Chính vì vậy, các địa phương cần đưa golf vào trong menu của du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE). Trong chiến lược quảng bá, golf cần được xuất hiện với tư cách là sản phẩm mà đối tượng phụ nữ, trẻ em dưới 16 tuổi đều có thể tiếp cận được thay vì để nó luôn là môn thể thao quý tộc. “Việc không thể đón khách quốc tế trong điều kiện dịch bệnh là một rào cản, nhưng chúng ta cần biến nó thành cơ hội để người dân trong nước có cơ hội trải nghiệm, thực hành môn thể thao này nhiều hơn. Muốn như vậy, các Cty lữ hành cũng cần đưa nó vào các tour để nhóm khách gia đình cũng có thể trải nghiệm”, ông Adam phân tích.
Ông Bùi Đức Long - Chủ tịch Tập đoàn Vicoland, đơn vị đã từng tổ chức thành công giải Risemount Golf Championship 2020 cho rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn cơ sở vật chất để phát triển loại hình du lịch golf. Tuy vậy, việc truyền thông, quảng bá tiếp thị cho các sân golf chưa xứng tầm, chủ yếu mang tính đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thậm chí là cạnh tranh lẫn nhau. 7 sân golf của 3 tỉnh miền Trung đều là những thương hiệu đẳng cấp nhưng chưa có các hoạt động liên kết giữa các sân golf để tạo nên các giải đấu quốc tế danh giá cũng như chưa thu hút được đối tượng khách MICE trải nghiệm nhiều.
“Cả Đà Nẵng và các điểm đến lân cận đều có những nét đặc trưng riêng, việc đi lại giữa các địa phương cũng khá thuận lợi. Chúng ta phải làm sao để các sân golf tại miền Trung có thể liên kết, hợp tác với nhau. Phải làm sao để khách không chỉ chơi golf cho biết mà luôn muốn khám phá những nét riêng biệt, độc đáo của một tên gọi sản phẩm ở nhiều địa phương. Chính vì thế, phải có cái bắt tay để du khách luôn nhớ và hào hứng trải nghiệm du lịch golf miền Trung”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, hiện Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch đang nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp để phục hồi du lịch nói chung, trong đó có thị trường du lịch golf. Các chuyên gia trên lĩnh vực này đang kết hợp với ngành du lịch các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khảo sát các sân golf tại miền Trung để về tham mưu phát triển loại hình du lịch này, đặc biệt là thu hút thêm các đoàn khách MICE đến miền Trung.
Vietnam Golf & Leisure - ấn phẩm song ngữ hàng đầu về golf tại Việt Nam đánh giá, sau nhiều năm đầu tư xây dựng, phát triển, đến thời điểm này miền Trung đã sở hữu hệ thống các sân golf đẳng cấp trong bộ sưu tập the Signature Collection, được thiết kế bởi những tay golf huyền thoại như Sir Nick Faldo, Greg Normal, Montgomeri, Luke Donald, Robert Trent John… Đây sẽ là lợi thế nổi bật để các địa phương chung tay xây dựng và phát triển du lịch golf thành một sản phẩm đẳng cấp, độc đáo và khác biệt, làm thay đổi “khẩu vị” của du khách và thị trường du lịch MICE.