Đà Nẵng: Nhiều cơ hội phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn
TP. Đà Nẵng có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đã hình thành đội ngũ doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông thuận tiện, đặc biệt là được chính quyền quan tâm phát triển.
Mới đây, trong khuôn khổ ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – SURF 2023 (ngày 29/9), ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông, (Bộ TT&TT) thông tin, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Binden đến Việt Nam trong ngày 10-11/9, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện". Đặc biệt trong bản tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ, hai nước đã thiết lập "Quan hệ đối tác mới về bán dẫn nhằm hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững, linh hoạt cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động Hoa Kỳ". Đây là bước đi quan trọng, làm tiền đề giúp cho chúng ta có những cơ hội để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp rất quan trọng với thế giới.
Ngay sau lễ ký kết, đoàn công tác của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có chuyến thăm Hoa Kỳ từ 17-23/9 vừa qua. Tại chuyến thăm này có nhiều cơ quan chức năng Việt Nam đã ký hợp tác với các công ty hàng đầu của Mỹ về bán dẫn.
Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Synopsys (công ty thuộc S&P 500 - dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn) về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch Việt Nam. Synopsys ký kết hợp tác với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&ĐT về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông nhận định, Mỹ hiện đang là siêu cường về bán dẫn thế giới, họ có nhiều lao động trình độ cao, trong đó có việt kiều; doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đa dạng hóa thị trường đầu tư, lựa chọn các điểm đến mới ngoài những thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ - Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, và nhiều "ông lớn" về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển tại Việt Nam và muốn Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn của Mỹ trên toàn cầu.
Nói về những cơ hội, đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin cho hay, hiện 75% chip bán dẫn vẫn đang là loại chíp 28 nm và cao hơn, đây chính là thị trường vẫn còn nhiều dư địa, doanh thu lớn và chúng ta có thể tiếp cận những công nghệ về loại chip bán dẫn này.
Phân khúc IC cho tín hiệu analog và cho phân khúc vi điều khiển (MCU) là phân khúc tiềm năng cho Việt Nam với các lí do: Không có 1 nhóm doanh nghiệp độc quyền như phân khúc Logic và Memory, phát triển dựa trên đặc thù của từng usecase, đa số phù hợp cho IoT và Edge-AI (xử lý AI tại biên); Các IP-core của Synopsys bao gồm loại công nghệ đúc chip 28nm trở lên.
Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, VNPT có thể mở rộng công nghiệp viễn thông thành công nghiệp IoT, phát triển các chip-set cho các ứng dụng IoT, Edge-AI dùng trong smarthome, smart city, nông nghiệp,…
Tại Việt Nam, đang xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp bán dẫn ở Bắc, Trung, Nam. Trong đó tập trung vào 3 trung tâm, khu vực phía Bắc xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang với nhiều doanh nghiệp nước ngoài; khu vực phía Nam có TPHCM và miền Trung có Đà Nẵng.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT trong những năm gần đây giảm; bên cạnh đó, công nghiệp điện tử, bán dẫn Việt Nam chủ yếu do doanh nghiệp FDI nắm giữ, tập trung vào ở những công đoạn có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm…do đó chúng ta cần thay đổi mô hình phát triển, lựa chọn những lĩnh vực mới như AL, vi mạch, bán dẫn…
Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Tuyên, Đà Nẵng là thành phố đáng sống; hiện thành phố có các hệ thống cơ sở đào tạo CNTT tại các trường Đại học như: ĐH Bách khoa, Duy Tân, CNTT Việt Hàn, Sư phạm Kỹ thuật, Đông Á, hay hệ thống các trường Cao đẳng CNTT, FPT Polytechnic…
Thành phố đã hình thành hệ thống doanh nghiệp, đội ngũ nhân lực CNTT, có cơ sở hạ tầng rất tốt, Khu công viên phần mềm, Khu CNTT tập trung; giao thông thuận tiện, đặc biệt là được chính quyền luôn quan tâm ưu tiên phát triển các lĩnh vực này.
Với những lí do đó, Đà Nẵng có đủ điều kiện trở thành một điểm đến hấp dẫn để các công ty Mỹ đến và mở trung tâm thiết kết, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa khọc, Việt kiều tại các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ đến Đà Nẵng để tham gia sản xuất các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Đây là giải pháp giúp Đà Nẵng nhanh chóng hình thành các trung tâm R&D có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch "made in Việt Nam" phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
"Những địa phương có tiềm năng như Đà Nẵng không nên lựa chọn công đoạn sản xuất, lắp ráp mà nên lựa chọn phát triển công nghệ, tập trung vào những thị trường ngách như Analog, IC; lựa chọn công nghệ phù hợp, phân khúc và thị trường công nghệ phù hợp; cần thiết có những phòng nghiên cứu, phát triển (R&D) về thiết kế vi mạch", ông Tuyên nhận định.